Theo Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 vừa được Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), năm 2020, tuy tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn ra hết sức phức tạp, nhưng cả nước đã có thêm 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, chiếm hơn 2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019.
Báo cáo cho biết, nguyên nhân của vấn đề trên là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH gặp nhiều hạn chế.
Tại Phiên họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.
Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH...
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan trong năm 2020 và những tháng đầu 2021 đã kịp thời ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách của Luật.
Tuy vậy, Ủy ban lưu ý, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần so với tổng số người tham gia BHXH có xu hướng tăng cao vào các năm tiếp theo. Với tốc độ, tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, đây là vấn đề cần được theo dõi sát, bảo đảm an sinh cho người lao động về lâu về dài. Yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng VssID - BHXH số trên thiết bị di động cho người dân; qua đó góp phần công khai, minh bạch và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT được nhấn mạnh.