Buôn làng khởi sắc
Trở lại buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi thật sự bất ngờ bởi sự sầm uất nơi đây. Chỉ mới 6 năm trước, vùng đất này còn khá hoang sơ, nhiều đường đất đỏ gập ghềnh, thì nay đường chính, đường nhánh đã được thảm bê tông, hai bên đường bạt ngàn vườn cà phê, vườn hồ tiêu trĩu quả. Xen giữa vườn rẫy xanh tươi là những căn nhà cao rộng. Xe cày chở nông sản, phân bón ra vào tấp nập.
Ghé thăm gia đình ông Y Ngăm Ê Ban (63 tuổi) khi ông đang lau chùi chiếc ô tô mới, ông liền khoe “Gia đình hiện trồng 3ha cà phê xen hồ tiêu. Trên diện tích này, trước đây chỉ trồng các cây như bắp, mì nên thu nhập không cao. Thấy người ta chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu thì mình cũng chuyển đổi. Những năm 2015-2016, khi giá cà phê, hồ tiêu cao, khu rẫy cho gia đình thu nhập hơn cả tỷ đồng mỗi năm. Gần đây thì giá không còn cao nhưng cũng ổn. Gia đình chuyển sang trồng thêm 300 cây sầu riêng, khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch”.
Ở một nhánh đường khác, phóng viên SGGP đã đến xã Đắk Pết nằm ở sườn núi Ngọc Linh (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) vào những ngày cuối tháng 9, khi nơi đây khánh thành điểm trường mầm non mới. Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, vui mừng nói: “Ngôi trường từ nay trở thành ngôi nhà an toàn dành cho các em. Không còn cảnh dột nát, mưa hắt, gió lùa bay cả mái như trước đây. Với phòng học mới, nhà vệ sinh tiêu chuẩn sạch sẽ và các cơ sở vật chất mới, các em đã có điều kiện học tập tốt hơn”.
Trong buổi cơm trưa thân mật với chúng tôi, ông Đinh Văn Quý, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đắk Glei, cho biết, huyện Đắk Glei là ngôi nhà chung của các dân tộc anh em, ngoài người Kinh thì đa số là người Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Tày, H’Lăng… Huyện Đắk Glei nay đã bắt kịp nhịp phát triển của cả tỉnh, mang dáng dấp của một đô thị mới.
Rời xã Đắk Pết, xe chạy vun vút trên con đường trải nhựa uốn lượn như dải lụa từ xã trở ra quốc lộ 14. Ngắm nhìn những cánh rừng xanh nguyên sơ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, bỗng ùa về những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: Tây Nguyên ơi! Bước truân chuyên/Tuổi trai ta đã từng quen chốn này.../Đường lên đỉnh núi Đăk Glei/Heo heo gió lạnh sương dày vắng chim...
Có đi có thấy, đời sống các buôn làng khắp Tây Nguyên đang từng ngày khởi sắc nhờ các chủ trương, chính sách, chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng. Trong đó phải kể đến: Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn); Chương trình 135 (phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu vùng xa), Chương trình 167 (hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở); chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên… Cùng với đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm... được chú trọng đầu tư.
Bà Mai Thị Lan Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết, từ năm 2004, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có chủ trương cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nghĩa với các buôn đồng bào nhằm tạo sự gắn bó, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm dần. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 25,9% và đang tiếp tục giảm trong năm 2019.
Còn theo Sở LĐTB-XH tỉnh Gia Lai, trong 5 năm ở giai đoạn 1 của chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, trên địa bàn đã có 10.922 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà với tổng kinh phí là hơn 157 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là gần 82 tỷ đồng.
Giữ gìn bản sắc, tôn trọng tín ngưỡng
Vừa về đầu buôn Ko Siêr (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi đã nghe tiếng chiêng ngân vang từ nhà của già Y Míp Niê (77 tuổi). Thấy khách, già đặt chiêng xuống, ân cần mời khách vào.
“Mình đang thẩm âm bộ chiêng mới mà Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk tặng cho đội chiêng của buôn Ko Siêr. Đây là bộ chiêng quý, âm rất chuẩn”, già Y Míp nói.
Theo già Y Míp, trước đây, buôn Ko Siêr có rất nhiều gia đình sở hữu những bộ chiêng tốt, âm chuẩn. Tuy nhiên, theo phong tục truyền thống, sau khi lập gia đình, người thân trong nhà được phân chia tài sản, nên các bộ chiêng cũng lần lượt bị chia rời. Khi gộp các chiêng lẻ từ nhiều bộ lại với nhau thì tiếng chiêng không còn đồng bộ, âm vang không còn chuẩn. Giờ được Nhà nước quan tâm tặng chiêng nên bà con thấy mừng, xem nó là báu vật và người trong buôn quyết phải giữ bằng được để con cháu sử dụng, lưu truyền.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết, việc tặng chiêng nằm trong Đề án Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, sau khi được UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, Bộ VH-TT-DL đã đề ra chương trình bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có nghị quyết ban hành “Đề án Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk”.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế các tuyến ở các tỉnh Tây Nguyên cơ bản đáp ứng về nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Trên 99% thôn buôn có nhân viên y tế hoạt động; toàn vùng gần 1.200 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống giao thông với các tuyến huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh, vùng miền khác như quốc lộ 14, quốc lộ 19, đường Trường Sơn Đông đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi cho việc giao thương, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, đi lại. Các chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo được chính quyền các địa phương nỗ lực thực hiện. |
Theo đó, tỉnh đã phục hồi một số lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tăng cường truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em đồng bào các dân tộc bản địa và đã xây dựng được 300 đội chiêng. Trong đó, đa số là đội chiêng trẻ (tuổi từ 12 đến 18) với số lượng 2.100 em; cấp 146 bộ cồng chiêng và 227 trang phục truyền thống cho các nghệ nhân, các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng theo ông Duẩn, ngoài văn hóa cồng chiêng, sở còn tổ chức truyền dạy hát kể sử thi cho các em thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này bước đầu có kết quả, thu hút đông đảo bà con hưởng ứng, tạo được môi trường sinh hoạt sử thi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, du lịch văn hóa là một trong những loại hình thu hút đông đảo khách tham quan. Qua các hoạt động du lịch thì văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước.
Bà Đinh Thị Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, cho biết trên địa bàn có nhiều tôn giáo đang hoạt động, trong đó 5 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Baha’i có tổng số tín đồ trên 376.729 người, chiếm khoảng 25% dân số của tỉnh, với 2.290 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 232 cơ sở thờ tự. Những năm qua, tỉnh rất quan tâm và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Những người đứng đầu các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Trong các dịp lễ trọng của các tôn giáo, đơn vị tổ chức đoàn đến thăm hỏi, trao đổi; đồng thời thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo để có hướng giải quyết.
Theo ông Nghiêm Văn Chuẩn, Trưởng ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, các chính sách liên quan đến nhu cầu tôn giáo đều được các cấp từ địa phương, cấp tỉnh giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Những giáo hội, các tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân, có nhu cầu cấp đất xây dựng các công trình phục vụ tôn giáo thì từng nội dung, trường hợp cụ thể đã được các cấp, ngành tạo điều kiện giải quyết theo quy định.
Khép lại chuyến thực tế ghi nhận cuộc sống sinh động của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên hiện tại, chúng tôi cảm nhận rất rõ về sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể các địa phương nơi đây đã thực sự gắn bó máu thịt với đồng bào, tích cực xây dựng “Thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc; càng thấm thía hơn lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận” ra đời từ 70 năm trước: Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.