Vận động người vượt biên trái phép trở về
Chúng tôi chạy xe máy vượt hơn 80km theo quốc lộ 14 từ TP Pleiku về xã Ia Le, huyện Chư Pưh (cùng thuộc tỉnh Gia Lai), nơi có nhiều người từng bị dụ dỗ vượt biên trái phép. Đường rộng, nhiều đoạn uốn lượn, vắt vẻo qua những triền núi, trông xa như những dải lụa. Hai bên đường xanh thắm cây cà phê, hồ tiêu và cao su. Dừng chân ở con đường dẫn vào thôn Kênh Mék, xã Ia Le, thấy một tốp người ngồi bên vệ đường vừa uống nước, nghỉ ngơi sau buổi làm rẫy, chúng tôi bắt chuyện, họ liền khoe về chuyện năm nay cà phê được mùa, đời sống khấm khá hơn. Chúng tôi hỏi “có muốn đi Mỹ để sống sung sướng không?”, họ đều lắc đầu.
Đến trụ sở xã Ia Le, chúng tôi gặp bà Siu H’BHem, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Le, một cán bộ xã được người dân quý mến, tin cậy, bà cho biết, thời gian qua, có 41 trường hợp người dân trên địa bàn bị dụ dỗ vượt biên trái phép đã được vận động trở về địa phương sinh sống.
“Cả hệ thống chính trị ở xã cùng vào cuộc để giải thích cho dân hiểu đó là chiêu bài của các đối tượng xấu. Chúng tôi thuyết phục với họ rằng, Nhà nước luôn có chính sách khoan hồng cho những người lầm lỡ, người vượt biên trở về được yêu cầu kiểm điểm trước thôn làng, cam kết không tái phạm. Chúng tôi còn mời già làng, người có uy tín, người làm kinh tế giỏi đứng ra tuyên truyền để bà con hiểu được họ có thể sinh sống ổn định và làm giàu bằng sức lực mình, ngay trên quê hương, buôn làng mình”, bà Siu H’BHem nói. |
Cũng theo bà Siu H’BHem, lúc vượt biên, người dân phải vay mượn tiền bạc, hoặc bán tài sản để mang tiền đi theo, nên khi trở về, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu điều đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ vật chất như: hỗ trợ cây giống (bơ, mít, cà phê...), phân bón, bò giống, hỗ trợ vay vốn… để người dân ổn định cuộc sống và dần phát triển, vươn lên. Đối với hộ quá khó khăn thì đưa vào danh sách hộ nghèo, tạo điều kiện cho họ được hưởng các chính sách để vượt qua giai đoạn khó khăn. Cũng nhờ sự quan tâm đó mà đời sống của 41 người vượt biên trở về ở xã đã khá hơn.
Không chỉ vận động thông qua người thân ở địa phương, gần đây cán bộ xã còn sử dụng mạng xã hội Facebook để vận động những người đã vượt biên trái phép trở về. Hiện bà Siu H’BHem đang áp dụng cách này đối với trường hợp Rmah A Lók.
“A Lók thuê trọ bên Thái Lan, hàng ngày đi làm thợ hồ kiếm sống. A Lók hay chụp ảnh cuộc sống khốn khổ bên nước ngoài và đăng lên Facebook. Tôi có kết bạn trên mạng nên hay vào nhắn tin khuyên giải A Lók trở về nhà làm ăn, sinh sống. Nhiều lần được khuyên nhủ, A Lók hứa sắp tới sẽ trở về nhà”, bà Siu H’BHem vui mừng khoe.
Rời xã Ia Le, chúng tôi tiếp tục hành trình trên con “ngựa sắt”, vượt gần 100km theo đường Hồ Chí Minh về xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk tìm gặp gia đình anh Y Ruên, một trong những gia đình vừa được chính quyền địa phương vận động trở về từ Thái Lan. Băng qua con đường đất đỏ đầy sình lầy, trơn trượt vì cơn mưa chiều nặng hạt để vào buôn Sing B, con “ngựa sắt” của chúng tôi liên tục chao đảo, đổ ngã liên tục, chúng tôi đến nhà anh Y Ruên lúc ánh hoàng hôn vừa tắt. Gặp anh Y Ruên khi anh vẫn tìm cách liên hệ với cha và gia đình 2 em gái đang ở Thái Lan để vận động họ về quê sinh sống.
Y Ruên tâm sự: “Vợ chồng mình từng nghe lời rỉ tai, vượt biên qua Thái Lan hòng đi Mỹ sống sung sướng, nhưng qua đến Thái Lan khổ quá, cơm không có ăn, đau ốm không có tiền mua thuốc uống, mới biết bị lừa. Tìm cách quay về thì người ta lại dọa rằng, nếu quay về sẽ bị chính quyền bắt bỏ tù... Sau gần 5 tháng sống vật vờ, khổ sở ở Thái Lan, đầu tháng 9, mình liên hệ để về, không những không bị tù mà còn được công an đưa xe xuống tận cửa khẩu để đón. Đích thân Đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh hỏi thăm, động viên và hỗ trợ tiền để khôi phục kinh tế gia đình, khiến vợ chồng mình vô cùng cảm động”. |
Tập trung phát triển kinh tế
Về làng Kret Krot, xã Hra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), nghe người dân trong làng bày tỏ sự vui mừng vì chị Vil (29 tuổi) được lãnh đạo tỉnh quan tâm tặng căn nhà mới, chúng tôi cũng vui theo. Chị Vil từng theo tà đạo Hà Mòn nhưng đã từ bỏ. Đầu tháng 6-2019, trong một lần trở lại làng Kret Krot, thấy cảnh vợ chồng chị Vil phải nuôi 2 con nhỏ trong ngôi nhà tạm bợ, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đã quyết định hỗ trợ tiền cho gia đình chị Vil mua vật liệu làm nhà, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền xã Hra đóng góp ngày công lao động xây dựng căn nhà. Gia đình chị còn được Huyện ủy, UBND huyện Mang Yang tặng nhiều trang thiết bị phục vụ đời sống, sinh hoạt; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn tặng một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng…
“Trong buổi lễ bàn giao nhà vào sáng 13-9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhắn nhủ vợ chồng chị Vil cố gắng nỗ lực chăm chỉ làm ăn, vươn lên thoát nghèo và nuôi dạy con cái khôn lớn. Đáp lại, chị Vil hứa sẽ ghi nhớ lời lãnh đạo căn dặn”, ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hra thông tin.
Lau vội giọt mồ hôi lăn trên má, chị ARơng H’Tơ Lia kể: “Thời điểm bị dụ dỗ vượt biên là sai lầm của mình. Sau khi vượt biên sang Thái Lan, cuộc sống rất khổ, phải sống trong nơm nớp lo sợ. Khi được vận động trở về địa phương, mình rất mừng vì không bị tù mà còn được nhà nước quan tâm. Hồi mới về, tiền không có, cũng may chính quyền tạo điều kiện cho gia đình vay hàng chục triệu đồng để mua bò, rồi được hỗ trợ cây giống. Cán bộ xã cũng vào hướng dẫn, tập huấn chăm sóc, chuyển đổi cây trồng nên thu nhập cao hơn. Nay đời sống tốt hơn nhiều, mình thích ngủ thì ngủ, thích nghỉ thì nghỉ, khỏe re”.
Ông Y Tha M’Lô, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Ea Pốk (huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, trong vụ biểu tình năm 2004, trên địa bàn có 6 người phải đi tù vì gây rối an ninh trật tự. Sau khi về địa phương, cả 6 người này đã tái hòa nhập cộng đồng, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là anh Y Suếc Niê, tích cực đi đầu trong các phong trào xã hội trong thôn buôn. Trong các cuộc tuyên truyền an ninh trật tự được chính quyền địa phương tổ chức, Y Suếc Niê tự nguyện tham gia và đứng ra lấy mình làm gương để tuyên truyền bà con không nên tin vào luận điệu xấu của các đối tượng phản động, tránh đi vào “vết xe đổ” của mình.
“Thời gian bị bắt giam, mình được cán bộ công an động viên, còn dạy nghề để sau khi ra tù còn có việc để mưu sinh. Sau khi ra tù, về địa phương, mình không bị kỳ thị mà còn được tạo điều kiện mượn bò nuôi để sinh sản, được hướng dẫn làm kinh tế. Mình cảm thấy xấu hổ về việc làm dại dột của mình. Nhà nước tốt với mình, mình tự nguyện kể lại để cho những người khác hiểu, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ”, anh Y Suếc Niê bày tỏ. |
Ông Trịnh Ngọc Nê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Cà phê Ea Pốk (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, công ty đóng chân trên địa bàn từng là “điểm nóng” ở tỉnh về tình trạng biểu tình, thời gian đó bị ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, do người dân bị các đối tượng xấu lừa mị không tập trung chăm lo sản xuất, dẫn đến năng suất, sản lượng cà phê của công ty giảm sút. Những năm qua, nhờ có sự vận động, tuyên truyền của các ngành chức năng, nhận thức người dân đã chuyển biến đáng kể, không còn ý định vượt biên, tham gia biểu tình, mà tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thuận lợi cho công ty phát triển. “Năm 2018 vừa qua, công ty xuất khẩu hơn 3.000 tấn cà phê tươi. Trong đó sản lượng của người dân nhận khoán là hơn 1.600 tấn”, ông Trịnh Ngọc Nê cho biết thêm. |