Hiện nay, mặc dù có khá nhiều công trình phục vụ thể thao từ cấp quận, huyện đến cấp thành phố, nhưng đa số không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực tài năng cho ngành thể dục thể thao, hoặc do xuống cấp, hoặc do quy mô nhỏ hẹp. Điều này dẫn đến một thực trạng: phong trào thể dục thể thao mạnh nhưng thể thao đỉnh cao lại thiếu nhân tài. Phát triển đa dạng môn thể thao, nhưng có ít môn thế mạnh hoặc ở trình độ thế giới. Tỷ lệ vận động viên đẳng cấp quốc tế trên tổng số dân đang quá thấp, xuất phát từ tỷ lệ cơ sở vật chất đẳng cấp chưa tương xứng với quy mô kinh tế và dân cư đô thị.
Đơn cử như số người, số sân phục vụ cho bóng đá phủi, bóng đá sân nhân tạo… rất nhiều, vậy mà toàn thành phố chỉ có 1 CLB chuyên nghiệp cùng 2 CLB hạng nhì và sân vận động đạt chuẩn quốc tế duy nhất là sân vận động Thống Nhất vốn đã có từ trước năm 1975. Đây cũng là nơi có đường chạy điền kinh đạt chuẩn quốc tế duy nhất trên địa bàn thành phố. Trên nền tảng cơ sở vật chất cũ, lạc hậu và thiếu hạ tầng bổ trợ, thể thao TPHCM vẫn duy trì được nội lực khi là một trong 3 trung tâm thể thao đóng góp vận động viên và thành tích đứng đầu quốc gia.
Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, số lượng huy chương của vận động viên TPHCM đều đạt mức kỷ lục. Một mặt ghi nhận được nỗ lực, niềm đam mê của huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành phố đã biết cách vượt khó giành vinh quang. Song bên cạnh đó, việc chưa thể đầu tư mới các cơ sở vật chất cũng là sự lãng phí tài nguyên con người, lãng phí cơ hội. Nói cách khác, với truyền thống của thể thao đỉnh cao thành phố, nếu được tập luyện trong điều kiện đẳng cấp châu Á, chắc chắn thành tích sẽ còn thăng hoa hơn nữa.
Chính vì vậy, sự quan tâm của UBND TPHCM, của HĐND TPHCM đối với ngành thể dục thể thao là cấp thiết và đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay. Nếu đề án xây mới các công trình thể thao theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp được thực hiện và có nhà đầu tư tâm huyết thì thể thao thành phố sẽ mang một diện mạo mới, cơ sở vật chất khang trang và có điều kiện để không chỉ đào tạo lực lượng vận động viên ở nhóm môn thế mạnh (điền kinh, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, taekwondo, bóng bàn, xe đạp…), mà còn có thể đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn của khu vực và thế giới, tạo uy tín và nguồn thu cho chính các công trình thể thao này.
Và trên hết, đề xuất của UBND TPHCM dựa trên những cơ chế, chính sách đặc thù đến từ Nghị quyết số 98/2023/ QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, truyền tải được khát khao vươn tầm và những mong mỏi bấy lâu nay của người làm thể thao thành phố. Hơn 20 năm qua, ngành thể dục thể thao TPHCM luôn khát vọng có được những công trình quy mô và hiện đại mà chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do. Thế nên, có thể xem đây là thời cơ, qua đó chính những người làm thể thao thành phố cũng phải nỗ lực đổi mới mình hơn trong công việc chuyên môn lẫn công tác đào tạo một đội ngũ những nhà quản lý, huấn luyện viên mới, có trình độ cao để đủ nguồn nhân lực “tiếp nhận” và phát huy các công trình lớn trong tương lai.