Thể thao tạo ra giá trị từ xã hội

Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Chính phủ vừa phê duyệt đặc biệt đề cập đến kinh tế thể thao. Trong đó nhấn mạnh đến việc thể thao kết hợp với giáo dục, du lịch và dịch vụ khác thông qua các liên kết đa ngành để khai thác hiệu quả hoạt động thể dục thể thao. 

Đây có thể xem vừa là nhiệm vụ, vừa là nền tảng để phát triển thể thao Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Nói cách khác, thể thao phải tối ưu hóa hoạt động của mình, đi vào thực tế xã hội để tạo ra giá trị.

Screenshot 2024-11-09 051338.png

Thực tiễn cho thấy, bên cạnh các giải đấu chính thức, thuần túy chuyên môn như các giải vô địch quốc gia, thì những sự kiện thể thao có tuổi đời lâu năm, tạo tiếng vang lớn, đóng góp chuyên môn cao đều là các giải đấu - sự kiện mà tự thân nó phải mang đến các giá trị xã hội rộng rãi và bền vững.

Thậm chí, từ chỗ chỉ mang tính chất quảng bá, xây dựng liên kết xã hội với người hâm mộ, nhiều sự kiện thể thao - xã hội đã tạo ra chỗ đứng riêng, có khía cạnh chuyên môn nhất định đối với thể thao thành tích cao. Tiêu biểu như giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP khởi xướng và tổ chức từ năm 1995 tôn vinh cá nhân cầu thủ, nay đã là giải thưởng chính thức được công nhận bởi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, hay như giải U21 Báo Thanh Niên được xem là cơ sở để hàng loạt giải đấu trẻ khác như U17, U19 ra đời.

Tương tự là các sự kiện xã hội hóa cao như Giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM của Đài Truyền hình TPHCM, Giải Việt dã Báo Tiền Phong, giải vô địch bóng bàn Báo Nhân Dân…

Sự thành công và tính lâu bền của các sự kiện thể thao đỉnh cao ấy đã chứng minh nguyên tắc quan trọng: Khi giá trị xã hội được tạo ra càng lớn, tính bền vững càng cao và cũng từ giá trị ấy, thúc đẩy niềm tin, truyền cảm hứng ngược lại với cộng đồng.

Đơn cử như trường hợp của một đơn vị truyền thông như Báo SGGP, sau thành công của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, là các sự kiện marathon Run To Live - Chạy vì cuộc sống và Lễ hội Golf Việt Nam - Nha Trang… có thiết kế cốt lõi là kết nối thể thao đỉnh cao với quảng bá hình ảnh địa phương và hoạt động từ thiện xã hội thông qua các chương trình do Báo SGGP chủ trì thực hiện như “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường”…

Cho nên, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cho ngành thể thao với mục tiêu hoàn thiện thể chế và đưa “kinh tế thể thao” vào tầm nhìn dài hạn với giải pháp đầu tiên là xã hội hóa mạnh mẽ hơn từ chính các giải đấu vô địch và từ lợi thế kinh tế tại chỗ các địa phương đăng cai.

Thực tế đời sống thể thao Việt Nam trong 30 năm qua đã chứng kiến nhiều môn như marathon, golf, futsal, bóng đá nữ… hay mới nhất là hiện tượng pickleball vẫn âm thầm phát triển mạnh mẽ nhờ “gốc rễ” xã hội dựa trên các yếu tố cơ bản từ sức khỏe đến giải trí, từ thi đấu đến quảng bá du lịch hình ảnh đất nước, thành phố…

Vấn đề đặt ra là số lượng môn thể thao làm được như vậy không nhiều. Hay nói cách khác, là đa số các môn thể thao đỉnh cao của Việt Nam chưa tìm được, hoặc dần đánh mất vai trò của mình trong việc tạo ra các giá trị xã hội để từ đó tạo lập tính bền vững về phong trào cũng như phát triển tốt công tác đào tạo, phát hiện tài năng.

Không có giá trị xã hội thì sẽ không tạo được nguồn lực tài chính thông qua kinh doanh bản quyền và sản phẩm thể thao thương mại, không thể phát triển số lượng người chơi, người hâm mộ để khuyến khích trẻ em chọn lựa con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Và trên hết, khi giá trị xã hội quá ít, cũng khó mà trông đợi sự quan tâm của các địa phương, bộ ngành trong việc tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư vào cơ sở vật chất.

Tin cùng chuyên mục