Nếu không tính các giải chạy marathon thì đây là sự kiện thể thao chính thức có quy mô thế giới lần đầu được tổ chức ở không gian mở tại TPHCM. Thành công của giải không chỉ tạo được điểm nhấn về hình ảnh, mà còn là sự gợi mở thú vị cho ngành thể thao thành phố. Trước đây, TPHCM từng tổ chức nhiều giải bóng chuyền bãi biển quốc tế bằng cách đổ cát, dựng khán đài tại công viên trung tâm, hay các giải bóng đá 5 người thi đấu ngay trên đường phố... thu hút người dân và du khách.
TPHCM với đặc thù của một đô thị đông dân, mật độ xây dựng cao, hiện đang nỗ lực để phát triển diện tích đất công cộng với nhiều không gian được đưa vào quy hoạch, bao gồm các cung đường và công viên dọc hai bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng, phù hợp với nhiều môn thể thao có tính chất sự kiện, có khả năng tổ chức trong không gian mở mà Teqball là một ví dụ. Dù là một trung tâm thể thao hàng đầu, thế nhưng diện tích đất sử dụng cho mục đích thể thao ở TPHCM hiện khá thấp, bên cạnh đó là vấn đề kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư bên ngoài hay phân bổ từ ngân sách công. Điển hình là các dự án xây dựng khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc hay Nhà thi đấu Phan Đình Phùng vẫn “đứng yên” hơn chục năm qua cho dù đã có quỹ đất.
Đặt trong bối cảnh như vậy, cần có sự năng động, sáng tạo của những người làm thể thao thành phố. Bên cạnh việc tìm giải pháp để tăng diện tích không gian phục vụ thể thao đỉnh cao, ngành thể thao cũng cần có những hướng đi mới trong việc tận dụng không gian mở hiện có bằng cách kết hợp giữa thi đấu và sự kiện, tổ chức giải và hoạt động giao lưu văn hóa - du lịch. Để làm được điều đó, thì cũng cần quy hoạch một số môn thể thao phù hợp với đặc thù và có chiến lược dài hạn để vừa tăng số lượng sự kiện - giải đấu, vừa có thể xây dựng được lực lượng vận động viên đỉnh cao thông qua phong trào.
Thể thao đỉnh cao của thế giới đang ở trong xu hướng xanh, “zero carbon” để giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường bằng cách hạn chế việc xây dựng các công trình lớn, ưu tiên cho mô hình tái sử dụng. Ví dụ như World Cup 2022, có sân vận động được lắp đặt bằng container để khi khép lại sự kiện là tháo dỡ trả lại không gian công cộng. Ở EURO 2024, các sân bóng không tổ chức các bãi giữ xe cá nhân để khuyến khích người hâm mộ di chuyển bằng phương tiện công cộng. Đỉnh cao là tại Olympic Paris 2024, 40% các địa điểm thi đấu nằm bên ngoài trời, tận dụng không gian mở bên cạnh các công trình văn hóa tiêu biểu như tháp Eiffel, sông Seine…
Khai thác, tận dụng không gian thi đấu gắn liền với môi trường và văn hóa - du lịch là một hướng đi phù hợp cho thể thao TPHCM. Không chỉ giải được bài toán về đầu tư cơ sở vật chất mới, mà còn tạo ra được các môn thể thao thế mạnh, có xu hướng hiện đại, đồng thời cũng thúc đẩy hoạt động kinh tế thể thao khi kết hợp hài hòa giữa thi đấu thể thao và tổ chức sự kiện quảng bá.