Cái khó ló cái khôn!
Kết quả thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hết năm học 2019-2020, toàn thành phố có 77% trường mầm non, 100% trường tiểu học, THCS và THPT có sân chơi, sân tập. Tuy nhiên, chỉ có 29,6% trường tiểu học, 47,1% trường THCS và 45,5% trường THPT có nhà tập đa năng đạt tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, có 93 trường học có hồ bơi, trong đó 74 hồ bơi xây dựng kiên cố, 19 hồ bơi di động để thực hiện công tác phổ cập bơi lội cho học sinh.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ thị 274 của Thủ tướng về quy hoạch và sử dụng các công trình thể dục thể thao (TDTT) trong trường học, Sở GD-ĐT đã tích cực đẩy mạnh và phát triển các công trình TDTT trong trường học như mở rộng sân tập; xây dựng nhà tập đa năng, hồ bơi, sân bóng đá. Hàng năm ngành giáo dục cũng tăng cường kinh phí mua sắm bổ sung dụng cụ, nâng cấp trang thiết bị để phục vụ công tác TDTT cho các trường học.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, cho biết thêm, thực hiện công tác đào tạo vận động viên chuyên nghiệp từ học sinh các trường trên địa bàn quận, hàng năm trung tâm này đều hướng dẫn các trường xây dựng câu lạc bộ (CLB) TDTT tại trường. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, đơn vị xây dựng các tổ chức xã hội ở từng bộ môn, phát triển hệ thống cơ sở thể thao ngoài công lập đa dạng các loại hình dịch vụ, trang thiết bị và hoạt động kinh tế phù hợp để tạo thêm nguồn thu.
Tương tự, tại quận 4, hàng năm Phòng GD-ĐT đều phối hợp Trung tâm TDTT quận xây dựng chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh khối 3 các trường tiểu học trên địa bàn. Cuối năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh biết bơi và thành thạo các kỹ năng an toàn trong môi trường nước toàn quận đạt trên 80%. Địa phương cũng phát triển hoạt động TDTT ngoại khóa tại hơn 80% trường mầm non, tiểu học và THCS thông qua hình thức các CLB như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, võ thuật... Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND quận, tất cả dự án xây mới trường học đều được quy hoạch đất và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy thể dục và tập luyện thể thao.
Đa dạng mô hình tập luyện
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), thời khóa biểu chính khóa của 100% học sinh toàn trường được thiết kế có 2 tiết bơi/tuần, học sinh di chuyển qua hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm (đối diện trường) để được trang bị kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước.
Theo lãnh đạo nhà trường, khó khăn lớn nhất hiện nay là ở một số lớp học, sĩ số học sinh/lớp còn cao, giáo viên khó tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài lớp cho học sinh. Ngoài ra, một số phụ huynh chưa yên tâm với việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, TDTT ngoài trường học. Giải quyết khó khăn đó, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm TDTT quận 1 và CLB Bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức “Ngày hội xuống nước” nhằm kiểm tra kỹ năng bơi, qua đó phổ cập bơi, phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh. Ngày hội cũng góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong trường học, tăng cường sức khỏe và giáo dục toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Một cách làm khác, ở Trường THCS Bình Trị Đông A (quận Bình Tân), năm học 2020-2021 là năm thứ 5 triển khai hoạt động tập thể dục giữa giờ cho học sinh các khối 6, 7, 8, 9. Vào đầu mỗi buổi học, giáo viên dành 30 phút cho học sinh tập luyện thể dục trên nền nhạc chuẩn bị trước. Trường đã tận dụng toàn bộ diện tích sân bãi, khu vực hành lang để bố trí cho học sinh tập luyện. Tương tự, tại Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức), đơn vị đã tuyển chọn học sinh có năng khiếu vào đội aerobic của trường, ghi hình bài tập thể dục giữa giờ đưa lên website trường để tất cả học sinh tham khảo và rèn luyện thêm ở nhà.
Trong các tiết sinh hoạt đầu tuần ở sân trường, ban giám hiệu đều tuyên truyền về lợi ích của tập thể dục giữa giờ, phổ biến kế hoạch thực hiện trong năm học. Đồng thời tăng cường nguồn thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình để quản lý, theo dõi tốt việc học tập, rèn luyện TDTT của học sinh.
Ngoài ra, nhiều trường tiểu học và THCS khác trên địa bàn TPHCM cũng đẩy mạnh hoạt động CLB sau giờ học, tận dụng tối đa công năng sử dụng của hồ bơi, nhà thi đấu, công viên gần trường để phát triển phong trào tập luyện TDTT. Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, phát triển toàn diện kiến thức và kỹ năng cho học sinh.
Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT TPHCM, bày tỏ, để khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT và VH-TT đã có chương trình phối hợp phát triển công tác giáo dục thể chất nói chung, TDTT học đường nói riêng trong trường học. Cụ thể, từ sự phối hợp giữa phòng GD-ĐT và trung tâm TDTT quận huyện, các trường học có thể sử dụng cơ sở vật chất dùng chung gồm nhà thi đấu, hồ bơi, sân bãi tập luyện, song song với việc kêu gọi hỗ trợ từ các liên đoàn TDTT TP, các câu lạc bộ, doanh nghiệp tư nhân… |