Thế nào là người Hà Nội?

Thế nào là người Hà Nội?

Theo GS sử học Lê Văn Lan, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “thế nào là người Hà Nội?” rất khó. Thời bao cấp người ta lấy tiêu chí hộ khẩu, rằng cứ ai có hộ khẩu Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Rồi đến giai đoạn người ta lại bổ sung, những ai khai sinh ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Sau đó người ta lại đưa ra một tiêu chí khác, người Hà Nội là những người có đóng góp, cống hiến nhiều cho Hà Nội. Rồi đến thời kỳ bùng nổ các phong trào làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, các nhà quản lý áp dụng tiêu chí cứ ai có 3 đời họ tộc sống ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Và rồi người ta lại đề xuất một tiêu chí khác, những người cứ sống một đời ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội...

Vì thế, GS Lê Văn Lan cho rằng, đi tìm khái niệm người Hà Nội ở góc độ văn hóa là chuẩn xác nhất. Văn hóa người Hà Nội là chỗ để phân biệt với người từ những vùng đất khác. Đó là về ngôn ngữ ăn nói, nếp sống của thị dân lâu đời, cung cách ăn mặc, tính cách giao tiếp...

Một thiếu nữ Hà Nội đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu của người Pháp).
Một thiếu nữ Hà Nội đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu của người Pháp).

Theo nghiên cứu của GS Lê Văn Lan, về văn hóa người Hà Nội thì cho dù con người đó đến Hà Nội từ lâu rồi hay mới đến, cống hiến cho thủ đô nhiều hay ít thì họ đều phải mang bản lĩnh, bản sắc của thị dân. Thị dân hiểu nôm na là người đô thị. Trên đất nước này, chỉ người Hà Nội là mang rõ bản sắc thị dân nhất vì lịch sử đô thị của Hà Nội có thể nói là cả hơn ngàn năm tuổi và lâu đời nhất Việt Nam.

Bức ảnh nổi tiếng “Sen Tây Hồ” của cụ Võ An Ninh chụp năm 1941 được xem là một trong những hình ảnh đẹp của người Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Bức ảnh nổi tiếng “Sen Tây Hồ” của cụ Võ An Ninh chụp năm 1941 được xem là một trong những hình ảnh đẹp của người Hà Nội đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên theo GS Lan, thì với việc bùng nổ dân số, sự tụ hội của người dân mọi miền đất nước về Hà Nội như hiện nay, cái bản chất thị dân đã rõ, nhưng mà chưa có chiều sâu mang tính văn hóa của Hà Nội ngàn năm. Thậm chí bản sắc văn hóa của người Hà Nội đang bị mai một đi, bị văn hóa làng xã “xâm chiếm” ngược lại vì bản thân những người được coi là “dân Hà Nội” hiện nay không ý thức được những điều đó...

LƯU QUẢNG (sưu tầm)

Tin cùng chuyên mục