Chiều 10-11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) sửa đổi.
Qua thảo luận, đa số ý kiến của ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.
Các ĐB cũng đề nghị bổ sung quy định về hành vi mua bán thông tin để có giải pháp bảo vệ thông tin NTD một cách đồng bộ. Trong thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều trường hợp để lộ lọt, mất thông tin NTD của các tổ chức, cá nhân, trong đó có trường hợp mua bán thông tin NTD, có những trường hợp phải xử lý theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc bảo vệ thông tin và quyền lợi của NTD.
ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) hoàn toàn nhất trí với ý kiến của ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), đó là NTD phải có trách nhiệm nếu như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm cũng như hàng hóa ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp. “Bởi không chỉ gây thiệt hại tính bằng tiền mà còn uy tín, lòng tin của NTD và dẫn đến hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp”, ĐB nói.
Đáng chú ý, ĐB Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp, nhưng quy định này là chưa chính xác vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc qua phương tiện viễn thông từ xa. Vì vậy, cần xem xét lại quy định này.
ĐB Hà Ánh Phượng cũng cho rằng, dự thảo luật quy định về các hành vi bán hàng đa cấp bất chính. “Theo tôi, khái niệm bất chính dường như không thể hiện được yêu cầu gì trong quản lý nhà nước, do đó cần xem xét chuyển sang quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được thực hiện”, ĐB nêu.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, dự án luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân NTD. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến NTD là tổ chức, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung. Về bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch đặc thù, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của NTD; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời sẽ có báo cáo đánh giá tác động với một số nội dung đại biểu đã nêu.