Vào tháng 7-2021, giá dầu trung bình là 75 USD/thùng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái là 43 USD/thùng. Để giữ mức giá hiện tại, ngành công nghiệp dầu mỏ chờ đợi sự trở lại của các khoản đầu tư thăm dò và sản xuất của các tập đoàn dầu quốc tế.
Tuy nhiên, hiện có nhiều điều không thuận lợi để tăng thêm sản lượng khai thác. Trước hết, giá dầu tăng một phần do việc cắt giảm vốn đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí để chuyển sang năng lượng tái tạo. Các nhà bảo vệ môi trường luôn gây áp lực đối với các ngân hàng để ngừng cấp vốn cho các công ty nhiên liệu hóa thạch. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) mới đây đã ngừng đầu tư vào các dự án thăm dò và sản xuất dầu khí như một phần trong kế hoạch nhằm phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng thông báo sẽ không còn cấp vốn cho các dự án khai thác và sản xuất dầu.
Ngoài ra, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, có thể cân nhắc không tăng thêm lượng dầu thô khai thác. Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Mohammad Abdulatif al-Fares cho biết, mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đã được OPEC+ thống nhất có thể được xem xét lại tại cuộc họp sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 1-9. Có điều, nền kinh tế của các nước Đông Á và Trung Quốc vẫn đang chịu tác động của đại dịch Covid-19, do đó OPEC+ phải thận trọng hơn trong việc tăng sản lượng dầu khai thác.
Mỹ đã kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng dầu thô để giải quyết tình trạng giá xăng dầu leo thang mà Mỹ coi là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, 17 trong số 22 nhà giao dịch, nhà phân tích và chuyên gia dầu khí được Bloomberg khảo sát tin rằng OPEC+ sẽ không thay đổi về sản lượng khai thác ít nhất cho tới tháng 10. Có thể thấy, OPEC+ đang ở thế khó, khi vừa giữ giá dầu đủ cao để hỗ trợ sự hồi sinh của ngành dầu khí toàn cầu, vừa tránh để giá dầu tăng đột biến có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới.