Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo EU đang thúc đẩy khối này phát triển sự tự chủ chiến lược hơn, động thái được một số người xem là thiết lập sự cạnh tranh giữa Brussels và Washington. Ông J.Stoltenberg nhận xét: “Một EU chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đầu tư vào các năng lực mới và giảm bớt sự phân tán của ngành công nghiệp quốc phòng, không chỉ tốt cho an ninh châu Âu mà còn có lợi cho an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, EU không thể một mình bảo vệ châu Âu. Hơn 90% công dân EU sống ở các quốc gia thành viên NATO, song các nước thành viên EU chỉ đóng góp 20% chi tiêu quốc phòng của NATO”. Trong khi 21 nước thành viên EU cũng là thành viên của NATO, thì hai bên sườn sơ hở của khối này lại thường được bảo vệ bởi các đồng minh ngoài EU vốn đóng góp nhiều chi tiêu quốc phòng hơn. Hơn thế, ông Stoltenberg, cũng như một số quan chức khác, nhận thấy cơ hội khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau khi ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ. Tuần rồi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, EU muốn hành động một cách chiến lược hơn nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị của chính mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chiến lược tự chủ mới lại không dễ giải quyết.
Vấn đề hợp tác giữa Mỹ và EU có thể được thúc đẩy hay không còn phụ thuộc vào việc Mỹ sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch như thế nào. Tổng thống Joe Biden hiện phải tập trung vào những vấn đề đối nội hơn là ưu tiên cho quan hệ với đồng minh. Trong khi đó, vấn đề hợp tác NATO - EU rõ ràng là không mới và đã trở thành trọng tâm của quá trình phát triển chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU kể từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước.
Điều này liên quan đến ít nhất ba cấp độ tranh luận về các nội dung như mối quan hệ và tính bổ sung giữa hai tổ chức, vấn đề các quốc gia châu Âu làm gì trong NATO và mối liên kết xuyên Đại Tây Dương rộng lớn hơn. Mặc dù vậy, 20 năm tranh luận và hợp tác giữa EU và NATO đã không thể làm rõ được những gì hai bên cần phải làm trong mối quan hệ hợp tác. Quan trọng nhất, việc thúc đẩy hợp tác NATO - EU bị cản trở bởi một loạt mục tiêu và cam kết chưa từng đạt được, cũng như những xích mích về các vấn đề như sự trùng lặp, chồng chéo, quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và chia sẻ gánh nặng.