Thế hệ nào “phản ứng” đến tin giả trên mạng xã hội nhiều nhất?
SGGPO
Khảo sát của Kaspersky cho thấy thế hệ “Boomers” (sinh ra trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1964) sẽ “phản ứng” với những thành viên trong gia đình và bạn bè nếu họ chia sẻ tin giả.
Lượng tiếp cận tin tức từ những phương tiện truyền thông chính thống và truyền thông xã hội đã tăng mạnh trên toàn cầu, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á khi mọi người phải ở nhà vào năm vừa qua. Đáng chú ý là người dùng trực tuyến trong khu vực chủ yếu đọc tin tức thông qua mạng xã hội.
Tỷ lệ người dùng mạng xã hội khu vực Đông Nam Á sẽ phản ứng với bạn bè, thành viên gia đình nếu họ chia sẻ tin tức giả mạo
Được thực hiện trên 1.240 người, trong đó có 831 người dùng ở khu vực Đông Nam Á, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ 5 trên 10 người ở tất cả các thế hệ cho biết họ đã đọc toàn bộ bài báo trước khi chia sẻ trên tài khoản của mình.
Nghiên cứu được thực hiện gần đây bởi Kaspersky cho thấy phần lớn (76%) người dùng khu vực Đông Nam Á cập nhật tin tức từ các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram,… Gen Z là thế hệ chiếm tỷ lệ cao hơn (83%), tiếp theo là Millennials (81%), Baby Boomers (70%), và Gen X (62%). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ tin tưởng tuyệt đối vào thông tin được chia sẻ trên các nền tảng này. Vì tin giả vẫn là mối quan tâm trên môi trường trực tuyến, cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào tháng 11 - 2020 cho thấy gần 2 trên 10 (18%) người được hỏi thừa nhận đã chia sẻ tin tức trước khi kiểm chứng. Con số này cao nhất ở Gen Z (28%), tiếp theo là Gen X (21%), và Boomers (19%). Millennials ghi nhận mức thấp nhất với 16%.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Số lượng người dùng trực tuyến khu vực Đông Nam Á đạt khoảng 400 triệu người vào năm 2020, với 40 triệu người là người dùng mới. Đông Nam Á cũng được biết đến là một trong những khu vực có người dùng sử dụng mạng xã hội tích cực nhất. Khảo sát của chúng tôi cho thấy 36% người dùng khu vực Đông Nam Á dành thêm 1-2 giờ trên các nền tảng trực tuyến sau thời gian giãn cách xã hội, 28% dành thêm 2-4 giờ, và khoảng 17% dành thêm 4-6 giờ trên môi trường trực tuyến”.