Cạnh tranh đảm bảo lương thực
Theo trang mạng Stratfor, hiện các nước hầu như đã có những điều chỉnh trong chính sách xuất khẩu ở các mức độ khác nhau nhằm ứng phó với dịch Covid-19, khiến nguồn cung bị gián đoạn và giá cả cũng bấp bênh. Trước mắt, chưa gây ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở bất kỳ nơi nào, nhưng nếu bệnh dịch tiếp tục lây lan, các chính sách hạn chế xuất khẩu sẽ kéo dài và khi đó, tình hình có thể khác.
Trung Quốc là một nước nhập khẩu lương thực lớn và hiện đã dự trữ rất nhiều. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn tăng cường thu mua gạo từ các nguồn sản xuất trong nước. Điều này sẽ giúp bình ổn giá cả lương thực trong nước, nhưng hạn chế lượng xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực.
Trong khi đó, Nga đã tạm ngừng xuất khẩu các mặt hàng ngũ cốc từ ngày 23-3 và cũng nằm trong số các nước chấp hành lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của Hội đồng Kinh tế Á - Âu trong thời gian từ ngày 10-4 đến ngày 30-6. Lệnh ngừng xuất khẩu một lượng ngũ cốc lớn như vậy trong 3 tháng sẽ khiến thị trường toàn cầu thiếu hụt một lượng lớn bột mì và ngũ cốc. Động thái này lại xảy ra ngay trước mùa thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9 của Nga, thường là thời điểm xuất khẩu khá ít. Vì vậy, nếu lệnh ngừng xuất ngũ cốc kéo dài tới mùa thu hoạch và ngay cả sau đó - giai đoạn cao điểm các giao dịch mua bán - nguồn cung của những mặt hàng này trên thị trường toàn cầu sẽ bị gián đoạn.
Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm tới một nửa sản lượng ngũ cốc nhập khẩu hàng năm. Ai Cập đã lập tức tìm cách đấu thầu để nhập khẩu bột mì thay thế hôm 1-4 (sau khi Nga và các nước trong Hội đồng Kinh tế Á - Âu quyết định ngừng xuất khẩu) và yêu cầu các đơn vị tham gia đấu thầu phải đảm bảo được số lượng hàng bằng số lượng mà các nước xuất khẩu kia không xuất nữa. Tuy nhiên, Cairo không thể tìm được nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu như vậy và phải hủy bỏ kế hoạch đấu thầu chỉ vài giờ sau đó. Những nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực như Ai Cập gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế vào lúc mà các nước giống họ đều đang cạnh tranh dữ dội để có được nguồn cung khá hạn chế do những nước ngừng xuất khẩu.
Nguy cơ thiếu lương thực
Với những nước vốn có tiềm lực tài chính hạn hẹp và luôn phải đối mặt với thách thức về an ninh lương thực như Zimbabwe, Venezuela..., tình hình có thể sẽ rất căng thẳng nếu dịch Covid-19 kéo dài đến tận mùa hè. Giá tăng và nguồn cung hạn chế sẽ nhanh chóng khiến các nước này thiếu lương thực trầm trọng.
Tình trạng thiếu lương thực vốn đã xuất hiện ở Zimbabwe khi cuộc khủng hoảng ngoại tệ xảy ra đầu năm 2019, giờ còn trở nên tồi tệ hơn. Nước này cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước tạm nhập tái xuất ngay trong khu vực, nên chính họ sẽ nhanh chóng hứng chịu hậu quả nếu những nước đó cũng quyết định bảo vệ nguồn cung lương thực của mình.
Ở Trung Á, việc Kazakhstan cắt giảm đáng kể lượng lương thực xuất khẩu cộng thêm với lệnh cấm xuất khẩu lương thực trong 3 tháng của Hội đồng Kinh tế Á - Âu cũng có thể gây mất cân bằng cung - cầu, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp cục bộ ở một số nước. Bộ Thương mại Kazakhstan đã ngừng xuất khẩu tất cả mặt hàng thiết yếu kể từ ngày 22-3. Dù Kazakhstan không phải là một nước xuất khẩu lương thực tầm cỡ trên trường quốc tế, nhưng nước này cũng là nguồn cung thực phẩm khá lớn.
Ở khu vực này, các nước như Uzbekistan và Tajikistan đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Kazakhstan, vốn chiếm tới 95% lượng ngũ cốc nhập khẩu. Ngoài việc dừng xuất khẩu, Kazakhstan còn bãi bỏ các loại thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng lương thực thực phẩm. Điều đó có nghĩa là nước này còn cạnh tranh với các nước xung quanh để nhập thêm lương thực thực phẩm.
Cũng giống như Nga, lượng xuất khẩu của Kazakhstan ở thời điểm này thường là thấp, nên họ hoàn toàn có thể đối phó với những ảnh hưởng về an ninh lương thực trước mắt. Nếu Kazakhstan cũng áp dụng các lệnh ngừng xuất khẩu trong vụ thu hoạch, khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, tình trạng thiếu lương thực của các nước láng giềng ở Trung Á chắc chắn sẽ xảy ra. Sự phụ thuộc quá mức vào lương thực nhập khẩu sẽ khiến nhiều nước trong khu vực khó tìm được các nguồn cung thay thế, nhất là khi những nước này giờ đây mới bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.
Thế nhưng, một số nước gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lương thực nhập khẩu lại thành công trong việc tránh được tình trạng nguồn cung tạm thời bị gián đoạn. Các nước vùng Vịnh sản xuất được rất ít lương thực thực phẩm do điều kiện sa mạc đặc thù và chủ yếu nhập những mặt hàng này từ nước khác. Tuy nhiên, họ gần như sẽ không phải lo lắng về an ninh lương thực nhờ sự giàu có sẵn có và tầm nhìn xa trông rộng của họ.
Ví dụ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hiện nhập khẩu tới 80%-90% lương thực thực phẩm từ nước ngoài, và điều đó có nghĩa là nước này rất dễ bị ảnh hưởng nếu chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn. Họ đã giảm thiểu rủi ro đó bằng việc đa dạng hóa các nhà cung cấp và có kế hoạch dự trữ chiến lược để cả nước đủ lương thực thực phẩm trong 6 tháng. Đồng thời, nước này đã đầu tư trực tiếp vào phát triển nông nghiệp ở các nước khác và nhờ đó giành được quyền ưu tiên trong việc tiếp cận/thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Các nước vùng vịnh khác cũng đã áp dụng chiến lược tương tự nên hoàn toàn không phải lo lắng, kể cả khi thị trường lương thực thế giới bị chao đảo với các nguồn cung bị gián đoạn.
Bài toán chuỗi cung ứng
Các nguồn lương thực trên toàn cầu hiện không thể phân phối tới các nơi cần, bởi khả năng vận chuyển hàng hóa đang bị hạn chế. Những tàu hàng thương mại đều bị chậm hoặc hoãn chuyến dài ngày do phải tuân thủ rất nhiều quy trình theo yêu cầu của các nước nhằm hạn chế sự lây lan của dịch. Điều đó có nghĩa là trong nhiều trường hợp, tàu sẽ bị yêu cầu chuyển hướng tới các cảng khác, chậm được làm thủ tục cập bến hay thanh toán, thậm chí còn phải tuân thủ các quy trình khử trùng. Do những yếu tố gây chậm trễ này mà một lượng tàu lớn không thể vận hành bình thường, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông đường biển, khó cập bến đích như dự định.
Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 cũng gây ra tình trạng các container đông lạnh, vốn là thứ thiết yếu để trữ thực phẩm dễ hỏng, hiện đang bị ùn tắc ở Trung Quốc. Các công ty vận tải biển sẽ phải lên kế hoạch điều chỉnh phù hợp với tình hình sau khi tình trạng chậm chuyến được giải quyết. Tuy nhiên trong hiện tại, các biện pháp chống lây lan dịch bệnh sẽ tiếp tục cản trở việc vận chuyển hàng hóa qua đường biển trên toàn cầu.
Hiện khó có thể dự báo chính xác sẽ phải áp dụng những biện pháp hạn chế thông thương lương thực toàn cầu đến bao giờ. Và bởi việc hạn chế thương mại giữa các nước là biện pháp cần thiết do cuộc khủng hoảng mà dịch Covid-19 gây ra vẫn tiếp diễn, nên nguy cơ thiếu lương thực cục bộ tại một số nước sẽ ngày càng gia tăng. Nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra - nguồn cung bị gián đoạn tới tận mùa thu hoạch của các nước xuất khẩu lương thực lớn - thì sự mất cân bằng cung-cầu và khả năng vận chuyển sẽ khiến những nước phụ thuộc nhập khẩu rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Tuy nhiên, dù thế nào, tình trạng gián đoạn nguồn cung cũng chỉ xảy ra trong vài tháng dịch bệnh và chủ yếu chỉ khiến giá cả gia tăng.
Ngày 17-4, tại Hội nghị Bộ trưởng Nông, lâm nghiệp ASEAN (AMAF), Bộ trưởng Nông nghiệp và lâm nghiệp các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng trong khu vực trong đợt bùng phát dịch Covid-19. |