Thế giới trong năm 2024

Nếu như giờ này năm ngoái, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì Covid-19 lùi xa dần thì ngay từ những ngày đầu trong năm 2024 này, thế giới bước vào thời kỳ mới với những biến động chính trị và an ninh xuất hiện thường xuyên hơn.

Dự báo kinh tế

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán 2024 sẽ là năm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2020. Sau hơn một thập niên tận hưởng lãi suất gần như bằng 0 kể từ năm 2009 đến hết năm 2021, các gia đình và công ty có thể phải chịu sự điều chỉnh đột ngột với lãi suất hơn 5% và lãi suất thế chấp ở mức cao trong nhiều năm. Tác động đầy đủ của lãi suất cao hơn hiện chưa được cảm nhận rõ ràng; những thay đổi về tỷ giá thường mất 12-18 tháng mới tác động đến các nền kinh tế.

o8a-4220.jpg
Công nghiệp sản xuất ô tô là một trong những lĩnh vực cạnh tranh nhất giữa Trung Quốc và EU (ảnh: một nhà máy lắp ráp ô tô ở Đức). Ảnh: GETTY IMAGES

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 3,5% năm 2022 xuống 3% năm 2023 và 2,9% năm 2024 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2019. Hầu hết các nhà kinh tế đều không mong đợi một sự suy thoái xảy ra ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bởi từ đó sẽ lan rộng toàn thế giới. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu đáng ngại không thể bỏ qua. Đó là khoản tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong thời kỳ dịch bệnh và giúp cho việc tiêu thụ nhiên liệu được giảm bớt; đường cong lợi suất vẫn đảo ngược - có nghĩa là lãi suất ngắn hạn vượt quá lãi suất dài hạn (yếu tố dự báo đáng tin cậy về suy thoái), và tính thanh khoản bị thắt chặt. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa đạt mức trung bình, có nghĩa là Trung Quốc sẽ không còn là động cơ tăng trưởng như trước đây.

Thực tế tiếp diễn

Thế giới vẫn đang phải đối mặt với hai cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Israel và Hamas, và dường như chưa biết khi nào mới kết thúc. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Oxford Economics đối với 130 doanh nghiệp, gần 40% số người trả lời coi xung đột Israel - Hamas là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới. Cuộc xung đột này, và nhất là việc Israel tiếp tục dội bom vào Gaza, sẽ gây ra những hậu quả khó lường mà có thể dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan với nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn. Năm nay, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và tại một vài nơi trong số này, cuộc chiến Israel - Hamas đang gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các rạn nứt chính trị có khả năng dẫn đến hệ quả thực sự trong các cuộc bầu cử.

o8d-3830.jpg
Các máy bay chiến đấu tham gia tập trận Steadfast Defender 2024 lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh của NATO. Ảnh: NATO

Cuộc chiến đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng ở Trung Đông, khi chiến trường mở rộng sang Lebanon, Iraq, Syria và Biển Đỏ. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào eo biển Hormuz hay kênh đào Suez sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại toàn cầu, bao gồm gần một nửa lượng vận chuyển dầu thô. Một cú sốc về dầu mỏ sẽ xảy ra sau đó, và có thể trở nên trầm trọng hơn khi Nga hạn chế sản xuất nhằm làm suy yếu sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine. Với việc chuyển sang chiến lược chờ phương Tây nản lòng, Tổng thống Putin tin rằng quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine đang suy yếu và đó là điều không thể tránh khỏi. Năm 2024 sẽ có tính chất quyết định trong việc tái thiết lực lượng Ukraine và duy trì sự hỗ trợ của phương Tây dành cho chính phủ nước này.

Sự thay đổi và bất biến

Ít nhất trong một năm tới, đối đầu ngoại giao giữa Nga với phương Tây, quan hệ chiến lược Trung - Nga và quan hệ đọ sức phức tạp Trung - Mỹ đều khá ổn định, không có thay đổi lớn. Tuy nhiên, có những mối quan hệ song phương liên quan đến cục diện khu vực và thế giới lại đang trong quá trình thay đổi, đáng được quan tâm. Ví dụ như quan hệ Trung Quốc - EU. Trước xung đột Nga - Ukraine lâu dài và Mỹ bước vào năm bầu cử, châu Âu có thể sẽ cần Trung Quốc đóng vai trò tích cực ổn định hơn.

Dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã dịu bớt trong những tuần gần đây, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ hồi tháng 11-2023, nhưng cuộc chiến tranh thương mại bao gồm thuế quan và những hạn chế về công nghệ vẫn tiếp tục. Nhưng cũng dễ nhận thấy đã có các hạn chế đang từng bước được tạo ra, vì vậy khả năng xảy ra hệ quả thảm khốc nhất đã giảm. Vẫn có những yếu tố chưa được đánh giá đúng mức giúp duy trì sự ổn định về mặt cấu trúc và giữ cho mối quan hệ không tiếp tục xấu đi trong những năm tới.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang hơn nữa nếu ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ông Donald Trump, người đang dẫn đầu cả các đối thủ trong đảng Cộng hòa lẫn Tổng thống Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận, đã cam kết đẩy mạnh hơn nữa các chính sách theo xu hướng bảo hộ - vốn nhận được sự ủng hộ của công chúng ở Mỹ, từ đó gây bất lợi cho không chỉ các đối tác thương mại của Mỹ mà còn cho nền kinh tế Mỹ. Không những thế, ông Donald Trump có thể rút hỗ trợ quân sự và tài chính của Mỹ đối với Ukraine trong xung đột với Nga - điều sẽ làm gia tăng căng thẳng với EU và Tổ chức NATO; đẩy lùi các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu cả ở cấp quốc gia lẫn toàn cầu vốn rất khó khăn mới đạt được; gây phân cực hơn nữa trong nền chính trị Mỹ, dẫn đến tình trạng bế tắc thậm chí còn tồi tệ hơn trong Quốc hội Mỹ.

Bên cạnh những thay đổi địa chính trị, các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng El Nino - một hình thái khí hậu trong đó nước bề mặt ấm lên bất thường ở vùng nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục xảy ra vào năm 2024, có thể dẫn đến nhiệt độ toàn cầu thậm chí còn cao hơn. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng và hạn hán, từ đó có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đe dọa an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể tiếp tục tăng lên, trong khi các cuộc thảo luận về việc quản lý AI gia tăng trong năm 2024. Một số thách thức trong lĩnh vực quản lý công nghệ tiên tiến sẽ xuất hiện, chẳng hạn như phải cân bằng giữa đổi mới và quản lý, giữa lợi ích kinh tế và việc bảo vệ trước nguy cơ bị tổn hại…

Là một nền kinh tế mở kết nối với thế giới, Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển chung cũng như những biến động toàn cầu trong năm 2024. Tuy nhiên, với chính sách ngoại giao tích cực và việc duy trì động lực trong hàng loạt bước đi trên các mặt trận trong nước, song phương và đa phương, kinh tế Việt Nam được ví là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới. Tại phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 2024) mới đây, GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, nhận định, Việt Nam không chỉ là ngôi sao ở khu vực Đông Á, mà còn đang trong quá trình vươn lên trở thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới.

Tin cùng chuyên mục