Theo số liệu thống kê được Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố, kể từ tháng 6-2023, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hàng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Riêng nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 6 vừa qua là 16,6 độ C, cao hơn 0,67 độ C so với mức nhiệt trung bình của tháng này trong 30 năm.
Cũng theo C3S, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua (từ tháng 7-2023 đến tháng 6-2024) đạt mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 0,76 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giới hạn mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C được 196 quốc gia nhất trí tại Paris năm 2015 đã bị phá vỡ, bởi mục tiêu đó được đo lường trong vài thập niên, không phải theo từng năm riêng lẻ.
Ông Carlo Buontempo, Giám đốc C3S, nhấn mạnh đây không chỉ là một hiện tượng thống kê đơn thuần mà còn là lời cảnh báo về sự biến đổi khí hậu sâu rộng và đang diễn ra trên toàn cầu.
Theo ông Zeke Hausfather, nhà khoa học nghiên cứu tại Berkeley Earth, tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ chuyên phân tích dữ liệu nhiệt độ, có 95% khả năng năm 2024 sẽ phá kỷ lục nắng nóng của năm 2023.