Thị trường CNSH hiện chủ yếu tập trung ở Bắc Mỹ (chiếm 44,19%), nhưng theo dự báo thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 16,8%.
Sau đại dịch Covid-19, Mỹ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vũ khí sinh học và an ninh y tế. Theo kế hoạch ngân sách của Tổng thống Joe Biden, Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) - nơi tài trợ cho khoảng 1/4 nghiên cứu học thuật của Mỹ - được cam kết tăng ngân sách gần 19%. Theo đó, NSF sẽ nhận được 11,3 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, CNSH và điện toán lượng tử.
Chính phủ Trung Quốc xem CNSH trong nông nghiệp là một công cụ giúp cải thiện nguồn lương thực của quốc gia, tăng năng suất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững và cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Còn trong lĩnh vực dược phẩm, giới chuyên gia dự báo quy mô thị trường của ngành công nghiệp dược phẩm sinh học của Trung Quốc sẽ vượt 1.000 tỷ NDT vào năm 2027. Trung Quốc cũng đã trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ 2 thế giới.
Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông (MSIT) Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ đầu tư 559,4 tỷ won cho nghiên cứu và phát triển ngành CNSH cốt lõi trong năm 2023, phù hợp với chiến lược dài hạn dẫn đầu ngành CNSH kỹ thuật số kiểu mới trong tương lai của nước này. Tương tự, các ứng dụng CNSH luôn được Chính phủ Nhật Bản quan tâm và đầu tư rất mạnh. Chính phủ Nhật Bản đã lập Hội đồng chiến lược CNSH cấp cao nhất, cải thiện các ưu đãi về thuế để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các mạng lưới thử nghiệm lâm sàng và công khai.
Tại châu Âu, CNSH là lĩnh vực được các nước như Đức, Anh, Pháp chú trọng từ đầu tư đến giáo dục. Hướng ưu tiên phát triển CNSH của châu Âu nhằm vào các lĩnh vực: dược phẩm, thú y, nông nghiệp, dệt may, hóa chất, nhựa, giấy, nhiên liệu, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.