Theo đó, các bên nhất trí sẽ ký kết hiệp ước đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay nhưng không có giới hạn trần đối với hoạt động sản xuất.
Lần đầu tiên kể từ khi các vòng đàm phán được tổ chức, các đoàn đại biểu từ 175 quốc gia, vùng lãnh thổ và các quan sát viên đã cùng thảo luận bản dự thảo hiệp ước toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Tại hội nghị ở Ottawa, các bên cũng nhất trí sẽ tiến hành hàng loạt cuộc tham vấn từ nay tới khi vòng đàm phán cuối diễn ra tại Busan, Hàn Quốc vào ngày 25-11. Nếu đạt được sự thống nhất, hiệp ước này sẽ là thỏa thuận quan trọng nhất liên quan phát thải gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường từ năm 2015 khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được các nước nhất trí.
Sản lượng nhựa hàng năm hiện đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm, lên mức 460 triệu tấn và dự báo tăng gấp 3 lần vào năm 2050, một mức độ được cho là không bền vững và vượt mọi năng lực quản lý, tái chế rác thải của thế giới.