Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden đã đưa ra một tuyên bố chung mô tả Nữ hoàng Elizabeth II là "một nữ chính khách có phẩm giá và kiên định vô song, người đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ nền tảng giữa Vương quốc Anh và Mỹ". Ông bà Biden sau đó đã đến Đại sứ quán Anh để chia buồn.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết ông "vô cùng đau buồn" và gửi "lời chia buồn tới tang quyến của Nữ hoàng Anh, Chính phủ và nhân dân Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, cũng như các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết một bức điện cho Quốc vương Charles, cầu chúc ông "can đảm và kiên trì khi đối mặt với mất mát nặng nề không thể bù đắp này".
Các nhà lãnh đạo Đức cũng gửi lời chia buồn, nhấn mạnh vai trò của Nữ hoàng trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Nữ hoàng Elizabeth II "là một tấm gương và nguồn cảm hứng cho hàng triệu người”.
Các hoàng gia châu Âu như Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha cũng đã gửi điện chia buồn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi Nữ hoàng là "một người bạn của nước Pháp".
Thủ tướng Ireland Michael Martin cũng gửi lời chia buồn. Ông nói: “Thay mặt Chính phủ Ireland, tôi xin gửi lời cảm thông sâu sắc nhất tới người dân Anh trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gửi lời chia buồn chân thành tới Hoàng gia và người dân Anh.
Anh đã quyết định tổ chức Quốc tang Nữ hoàng Elizabeth trong 10 ngày. Vào ngày đầu tiên của Quốc tang, các nghi lễ chào súng sẽ được tổ chức tại Công viên Hyde và Tower Hill. Phút mặc niệm trên toàn quốc cũng sẽ diễn ra.
Vua Charles dự kiến tiến hành buổi tiếp kiến đầu tiên với thủ tướng. Ông cũng sẽ gặp Bá tước Marshal để chính thức ký vào kế hoạch tang lễ.