Ngoài thách thức lớn về mặt hậu cần, chiến dịch tiêm chủng cũng là một thách thức khoa học đối với EU. Dư luận đang chờ đợi kết quả đánh giá lô vaccine đầu tiên của Pfizer và BioNTech do Cơ quan Dược phẩm châu Âu thực hiện. Kết quả chính thức sẽ được công bố trong ngày 21-12.
Sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ ban hành quyết định cho phép đưa sản phẩm ra thị trường. EC đã đặt mua của Pfizer và BioNTech 300 triệu liều vaccine cho 27 quốc gia thành viên và sẽ phân phối theo tỷ lệ dân số các nước. Riêng tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex thông báo, chiến dịch chích ngừa Covid-19 tại Pháp sẽ bắt đầu ngay từ tuần cuối của tháng 12, nhưng những người không thuộc diện ưu tiên sẽ phải chờ đến cuối mùa xuân năm tới mới được tiêm chủng.
Còn ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị tiến hành tiêm chủng quy mô lớn ở trong nước sau khi đã đảm bảo đủ vaccine phục vụ cho những công dân nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Dự kiến, trong năm 2021, số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí ở Nga có thể lên tới hàng chục triệu người. Moscow đã trở thành thành phố đầu tiên của Nga thực hiện chương trình tiêm chủng quy mô lớn này.
Tại Mỹ, quyết định cấp phép lưu hành thêm loại vaccine thứ 2 là Moderna đã làm tăng tốc chiến dịch tiêm ngừa Covid-19. Hàng triệu liều thuốc sẽ nhanh chóng được phân phối song song với vaccine của Pfizer. Hiện tại, nhân viên y tế và những người cao tuổi trong các viện dưỡng lão vẫn là các đối tượng ưu tiên. Tính đến ngày 20-12, Mỹ đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 270.000 người. Canada cũng đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong tuần qua. Việc tiêm chủng được thực hiện cho những người sống trong các viện dưỡng lão ở Québec và các nhân viên y tế ở Ontario. Theo kế hoạch, từ đây đến đầu tháng 1-2021, khoảng 50.000 người dân Canada sẽ được tiêm vaccine. Đây được coi là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước này.
Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia có kế hoạch mở đợt tiêm chủng sớm nhất và quy mô nhất. Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 50 triệu người thuộc nhóm ưu tiên trước khi bước vào đợt đi lại trước Tết Nguyên đán nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Kế hoạch phân phối 100 triệu liều vaccine do 2 hãng dược phẩm nước này là Sinopharm và Sinovac Biotech sản xuất đang được tiến hành. Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 vaccine của Sinopharm và một của Sinovac Biotech.
Bên cạnh đó, vaccine ngừa Covid-19 thứ tư được cấp phép là do Công ty Công nghệ sinh học CanSino Biologics sản xuất và chỉ dành cho mục đích quân sự. Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh, 50 triệu liều vaccine sẽ được tiêm cho các nhóm đối tượng trước ngày 15-1-2021 và mũi thứ hai sẽ được hoàn thành trước ngày 5-2. Chiến dịch tiêm chủng hàng loạt nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần bắt đầu từ ngày 11-2.
Ở Trung Đông, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất bắt đầu triển khai hoạt động tiêm ngừa Covid-19 cho người dân. Trong khi đó, Israel phân phối vaccine đến 10 bệnh viện và trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc từ ngày 20-12.