Sydney (Australia) là một trong những thành phố lớn đầu tiên trên thế giới đổ chuông đón năm mới 2023. Hơn 1 triệu người đã đổ về khu vực cảng Sydney để chiêm ngưỡng khung cảnh pháo hoa thắp sáng cầu cảng Sydney. Chính quyền thành phố Sydney ước tính có thêm gần nửa tỷ lượt người theo dõi các lễ hội trực tuyến hoặc trên truyền hình. Tại New Zealand, quốc gia láng giềng của Australia, pháo hoa đã thắp sáng tòa tháp Sky Tower ở trung tâm TP Auckland vào thời khắc bước sang năm mới 2023.
Tại Hàn Quốc, nghi thức rung chuông đêm Giao thừa được tổ chức trở lại sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh. Buổi lễ do chính quyền thủ đô Seoul chủ trì diễn ra lúc 23 giờ 30 ngày 31-12 (giờ địa phương), tại Bosingak Pavilion ở trung tâm Seoul, với khoảng 100.000 người tham dự.
Với các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng, người dân thủ đô Jakarta của Indonesia có xu hướng lựa chọn những địa điểm đông người để đón năm mới. Chính quyền TP Jakarta đóng cửa 2 tuyến đường chính là Sudirman và Thamrin vào tối 31-12 cho sự kiện “Đêm không ô tô” để đón mừng năm mới. Tổng cộng có 8 sân khấu được xây dựng để tổ chức sự kiện đón giao thừa.
Không có màn bắn pháo hoa như ở Sydney, song không khí đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở TP New York (Mỹ) không kém phần sôi động và rực rỡ. Một “bức tường nguyện ước” đã được dựng lên để người dân và du khách khắp nơi có thể đính lên những tờ giấy màu sắc ghi những điều mong ước của mình.
Trong thông điệp năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chống dịch mới, dù thử thách vẫn còn nhưng cũng có những tia hy vọng, đồng thời kêu gọi mọi người cùng đoàn kết, nỗ lực hơn nữa trong năm mới. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, trong thông điệp năm mới, hứa hẹn những điều tốt nhất của nước Anh sẽ được thể hiện trong những tháng tới và lễ đăng quang của Vua Charles III vào ngày 6-5-2023 sẽ là sự kiện đoàn kết người dân cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng báo các vấn đề của Anh sẽ không “biến mất” vào năm 2023