Thủ phạm vẫn là La Nina
Theo dự báo của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) vừa công bố, 2/3 nước Mỹ sẽ có một mùa đông ấm hơn một mùa đông bình thường. Các nhà dự báo của NOAA cho biết, chỉ có bang Washington, phía Bắc Idaho, Montana, Dakotas và Tây Bắc Minnesota, sẽ có mùa đông lạnh hơn bình thường. Mưa và tuyết mùa đông được dự báo sẽ chia cắt đất nước thành 3 dãy.
NOAA cho rằng, toàn bộ miền Nam từ Nam California đến Bắc Carolina có một mùa đông khô. Trong khi đó, thời tiết sẽ ẩm ướt hơn cho các bang ở cực Bắc như Oregon, Washington đến Michigan và xuống Illinois, Indiana, Ohio và các khu vực khác của thung lũng Ohio. Phần còn lại của nước Mỹ sẽ gần với “một mùa đông bình thường” hơn.
Đối với miền Tây Nam vốn đã khô hạn và nhiều khu vực ở miền Nam, mùa đông năm nay có thể là một “cú đấm lớn”. Theo chuyên gia hạn hán của NOAA David Miskus, khoảng 45% lãnh thổ đang trong tình trạng hạn hán, mức cao nhất trong hơn 7 năm qua.
Ông Mike Halpert, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí hậu của NOAA, cho biết, yếu tố thúc đẩy một mùa đông ấm hơn và khô hơn chính là La Nina, sự lạnh đi của các khu vực ở trung tâm Thái Bình Dương làm thay đổi mô hình thời tiết trên toàn thế giới.
Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu xác nhận, Trái đất vừa trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử. Từ tháng 9-2019 đến tháng 9-2020, Trái đất ghi nhận mức nhiệt cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,3°C.
Báo cáo Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus cũng thừa nhận, mức nhiệt kỷ lục này diễn ra trong bối cảnh khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương đang chịu tác động của hiệu ứng làm mát từ hiện tượng thời tiết La Nina.
Nguy cơ mất an ninh lương thực
Việc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hiệp quốc, tổ chức nhân đạo chuyên giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực, được trao giải Nobel Hòa bình năm 2020 cho thấy thế giới đã nhận ra được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Gần 45 triệu người ở khu vực phía Nam châu Phi mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo tổng hợp năm 2020 về tình hình an ninh lương thực, dinh dưỡng và tính chất dễ bị tổn thương tại miền Nam châu Phi do Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) công bố, số người thiếu ăn từ đầu năm đến nay tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), châu Phi sẽ cần 30 - 50 tỷ USD/năm trong thập kỷ tới để thích ứng với biến đổi khí hậu. Con số này tương đương 2%-3% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của lục địa đen. IMF cũng cho biết nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cùng nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác. Ước tính, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài tại châu Phi thì tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của lục địa này có thể giảm 1%.
Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến hàng chục triệu người tại khu vực cận Sahara châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 500 triệu USD. Bên cạnh đó, các hộ gia đình phải trải qua tình trạng lũ lụt hoặc hạn hán sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất an ninh lương thực.
Trước khi báo cáo trên được công bố, trước đó một loạt cơ quan, tổ chức quốc tế hàng đầu như Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB)… đã lần lượt lên tiếng cảnh báo, bên cạnh tác động của thay đổi thời tiết thất thường, nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng của thế giới còn là một trong những hệ lụy lớn nhất của đại dịch Covid-19.