Thế giới đầy màu sắc của các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ
SGGPO
Triển lãm tranh nghệ thuật của trẻ tự kỷ với tên gọi: "Sắc màu - Những mảnh ghép", sẽ khai mạc vào ngày mai 15-1, tại Megan Gallery, 299 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu tới người xem hơn 40 bức tranh của 6 em nhỏ mắc chứng tự kỷ: Hương Giang, Văn Duy, Tuấn Duy, Trung Hiếu, Quang Huy và Danh Lâm.
Không chỉ là một tác phẩm hội họa, mỗi bức tranh còn là một câu chuyện, phản ánh khách quan nhất sự cảm nhận của các em về thế giới xung quanh mình, thể hiện niềm đam mê, hăng say sáng tạo, sự tưởng tượng phong phú, tâm hồn bay bổng thông qua những bức hoạ về thiên nhiên, phong cảnh, các nhân vật hoạt hình hay những kỷ niệm gần gũi cùng gia đình.
Hầu hết trẻ mắc chứng tự kỷ đều gặp khó khăn về giao tiếp, nên mỗi em đều lựa chọn cho mình một cách rất riêng để thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình đối với gia đình, bạn bè và thế giới.
Các bức tranh của Hương Giang, Văn Duy, Tuấn Duy, Trung Hiếu, Quang Huy và Danh Lâm đại diện phần nào cho thế giới của rất nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ khác đang cần được cả xã hội, quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ cũng như chấp nhận sự khác biệt; đồng thời trao cho các em cơ hội để có thể bộc lộ tài năng, thể hiện bản thân mình và đóng góp cho xã hội.
Triển lãm không chỉ nhằm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà hơn hết nó còn định hướng giáo dục và việc làm tương lai cho nhóm trẻ năng khiếu nghệ thuật; truyền cảm hứng cho các gia đình có con tự kỷ, khuyến khích chú ý, tạo cơ hội và phát huy năng lực của trẻ tự kỷ; thay đổi nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ theo hướng tích cực.
6 em nhỏ đều là học sinh trong lớp vẽ thiện nguyện của họa sĩ Lương Giang.
Triển lãm “Sắc màu - Những mảnh ghép” kéo dài đến hết 28-2-2021. Đây như một món quà động viên cho các em trên con đường trở thành những họa sĩ chuyên nghiệp trong tương lai.
>>> Dưới đây là một số tác phẩm của các bạn nhỏ sẽ được trưng bày trong triển lãm đặc biệt này
Năm 2018, tình cờ mẹ Nguyễn Trung Hiếu biết đến lớp vẽ thiện nguyện của cô Lương Giang và em bất ngờ đã gắn bó và bộc lộ nhiều khả năng về hội họa. Sau 2 năm, Hiếu đã vẽ được những bức tranh rất đẹp, em cũng chịu khó ngồi vẽ, ít chạy nhảy hơn, đặc biệt là rất thích đi học vẽ.
Là một đứa trẻ "đặc biệt", nên đồ chơi của Vũ Đỗ Tuấn Duy cũng rất đặc biệt. Không phải là ô tô điều khiển từ xa hay những thứ mà bất cứ đứa trẻ con nào cũng thích, Duy chỉ có một niềm say mê với màu sắc những hộp màu sáp, màu chì hay những tập bản đồ Việt Nam và Thế giới chính là những "người bạn" của Duy. Ở lớp học này Duy được tiếp thêm ngọn lửa chính là tình yêu với hội họa, để khơi dậy năng khiếu cũng là mở ra một đường hướng phát triển trong tương lai cho chính những đứa trẻ vừa khác biệt lại vừa đặc biệt như Duy.
Nguyễn Văn Duy được phát hiện bị hội chứng tự kỷ từ lúc 17 tháng tuổi. Từ lúc 2 tuổi cháu càng có biểu hiện rõ rệt hơn, tăng động nhiều hơn, cháu hay chơi một mình và phá bỏ đồ chơi khi cháu cáu lên, cháu có thể tự đánh mình như đập đầu vào tường và bất cứ chỗ nào. Đến 4 tuổi cháu mới bập bẹ được mấy câu. Khi đến với lớp học này, ngoài sức tưởng tượng của gia đình Duy học ngoan, hiểu biết hơn, biết nghe lời và thể hiện nhiều khả năng về hội họa.