Huân bỏ hộp cơm vào thùng rác, ám ảnh về đôi đũa tre ăn sẵn vót ẩu vẫn còn lù xù dằm đâm cả vào lợi. Huân bỗng thấy nhớ con quá chừng, quặn thắt cả ruột gan. Thằng nhỏ cũng thường bị nghẹn khi ăn, có hôm mắt trợn trừng, nước mắt ứa ra. Trong những lúc như thế, thằng bé thường gọi mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng luôn hiện hữu trong tâm thức một đứa trẻ, cho dù người mẹ đã qua đời khi nó mới hơn 2 tuổi.
Ai cũng nói thằng bé rồi sẽ quên mẹ thôi mà, nó còn quá bé để lưu giữ bất cứ ký ức nào trong đầu. Sau một tháng, thằng bé đã không còn đòi mẹ mỗi khi đi ngủ. Sau 3 tháng, thằng bé ít hỏi: “Mẹ đâu rồi?” vào mỗi sáng thức giấc. Nhưng sau 1 năm, nửa đêm thằng bé thỉnh thoảng vẫn nức nở khóc trong giấc mơ, gọi mẹ. Lớn lên thằng bé hay buồn, nó ít khi cười đùa, chạy chơi cùng chúng bạn. Mắt con lúc nào cũng rười rượi nhìn xuống, đêm ngủ nằm cuộn mình co ro như con mèo nhỏ. Cả thế gian này có ôm ấp lấy con đến nghẹt thở thì vẫn không thể nào bù đắp được hơi ấm của người mẹ. “Sương ơi, ở trên những đám mây chắc là em cũng nhớ con nhiều lắm…”.
- Bố ơi, nếu đi xuyên qua đám mây, chúng ta sẽ thấy gì?
- Giữa những tầng mây là khoảng không con ạ.
- Tầng mây này nối tầng mây khác. Có phải cũng giống như con người chúng ta đi hết kiếp này đến kiếp khác không hả bố?
- Con còn bé, sao đã hiểu được những chuyện này.
- Bà từng nói với con như vậy. Con cũng muốn tin như thế. Mẹ đợi con ở đâu đó giữa những tầng mây bố ạ.
Đó là lần hiếm hoi thằng nhỏ nhắc về mẹ trước mặt Huân. Thường ngày, nó đi học về là chạy ra ruộng rau với bà hoặc quanh quẩn ngoài vườn cây giống của ông. Lúc còn sống, Sương vẫn thường gọi con là Cá. Lớn lên, thằng bé can đảm và trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa. Cá ít quấy khóc, thường tha thẩn chơi một mình và tự tìm cách giải quyết vấn đề mỗi khi gặp khó khăn. 10 tuổi, thằng nhỏ biết làm đủ mọi việc trong nhà. Bố đi làm suốt ngày, Cá ở nhà giúp bà cuốc đất trồng rau, quét dọn cửa nhà, cơm ngon, canh ngọt. Cá cũng đã biết giúp ông cắt tỉa, chiết cành, chăm bón cho cây. Việc gì Cá cũng làm đâu ra đấy, không bao giờ để người lớn phải phàn nàn. Nhìn nết làm, nết ăn của đứa cháu nội, mẹ Huân thường rơm rớm bảo “phúc đức quá, trời thương”.
Nhưng Huân không thích Cá quanh quẩn xó nhà mà muốn con vui chơi cùng chúng bạn. Khi bằng tuổi con, Huân vẫn còn là một đứa trẻ ham chơi, đôi khi xao nhãng cả những bài toán trong sách vở. Trưa nào cũng trốn ngủ, theo lũ bạn luồn bắt chim, nhặt hạt dẻ, hái quả mâm xôi. Hoặc chạy nhong nhong dưới đồng, tuốt đòng đòng ăn, bắt cào cào nuôi chim, móc cua trong hang mang bán. Những tháng ngày trong veo như chuỗi ngọc đã luôn lấp lánh sáng suốt cuộc đời Huân, nên Huân không muốn con trai mình có một tuổi thơ đơn điệu và u buồn. Đời mỗi con người đâu có bao nhiêu thời gian để hồn nhiên sống. Cá ơi…
Chiều nào đi học về, Cá cũng cắt rau để hôm sau bà đi chợ bán. Huân nhìn dáng con nhỏ bé, cúi lom khom ngoài đồng rau xanh mướt, rộng mênh mông mà héo hon thương. Nó gợi về trong lòng Huân hình ảnh tảo tần của người vợ đã quá cố sau một cơn bạo bệnh. Huân muốn lôi con ra ngoài thế giới rộng lớn kia, cùng đá bóng, đá cầu, đi săn chuột đồng, câu cá. Nhưng công việc bận quá, ngày nào về đến nhà, trời cũng đã tối mịt. Cá chẳng bao giờ hỏi về cái chết của mẹ, nhưng Huân tưởng như một cái chớp mi của nó cũng chứa đựng nỗi buồn. Người mẹ vẫn hiện hữu đấy thôi. Như lúc nghẹn cơm tưởng như tắc thở nó vẫn cố vươn cổ thật dài bật gọi “mẹ ơi”. Nước mắt thằng nhỏ trào ra, 2 bàn tay nắm chặt. Một tiếng gọi thấu cả những tầng mây trên đỉnh trời vời vợi. Huân có khi nghe thấy, rùng mình.
Cá có trồng một cây hoa hồng leo cổ Hải Phòng. Thằng nhỏ chăm chút, tỉa cành, uốn dáng cho nó leo lên hàng rào trước nhà. Cây hồng lớn nhanh, ra nhiều chồi nụ. Giống hồng này nở hoa đỏ tươi mê muội lòng người. Đã nhiều khách đến vườn năn nỉ mua bằng được gốc hoa hồng cổ này với giá cao nhưng Cá chỉ lắc đầu. “Gốc hoa này con trồng tặng mẹ mà. Hoa đỏ tươi thế này thì những đám mây trên trời mới nhìn thấy được”. Thằng nhỏ có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ hơn Huân. Bởi vậy mà Cá thích công việc ở vườn cây giống. Từng chồi non nảy lên, từng nụ hoa bật cánh cũng làm Cá háo hức. Có hôm, thằng bé bước từ vườn vào nhà, Huân thấy cả cơ thể của con như đang tỏa ra thứ mùi hương dễ chịu. Mùi của cỏ cây, hoa lá, mùi của đất đai hiền hậu. Huân vuốt những hạt cát còn lẫn trong mớ tóc, vành tai, cổ áo của con. Muốn ôm con vào lòng mà hít hà như cách của một người mẹ thường làm, nhưng Huân thấy tay chân ngượng nghịu, vụng về nên chỉ biết giấu tình thương ở trong lòng. Có lúc Huân đã tự trách bản thân vì đã luôn đứng ở xa để nhìn Cá trưởng thành. Thằng nhỏ có khi cũng cần một vòng ôm của bố. Huân nghĩ thế lúc ôm trộm con trong giấc ngủ giữa đêm thu tĩnh mịch. Ngoài kia chỉ có tiếng lao xao của lá. Trên bầu trời những đám mây cũng đã ngủ rồi.
- Cá này. Chủ nhật tới công ty bố tổ chức đi du lịch. Con đi cùng bố nhé.
- Nhưng con phải ở nhà làm giúp ông bà.
- Con vẫn giúp ông bà mỗi ngày mà, đi chơi một vài buổi cho biết đây biết đó. Hôm ấy có đông bạn nhỏ lắm, chắc sẽ rất vui.
- Đúng rồi đấy cháu à. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Có những điều luống rau, thửa ruộng của bà không dạy cháu được đâu.
Trước hôm đi, Cá không ngủ được. Huân đoán con lo lắng khi lần đầu xa nhà, cho dù vẫn có bố ở bên. Cá tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân mang theo. Trong ba lô thấy có cả một vài vỉ thuốc tiêu hóa, hạ sốt, nhức đầu. Cá nhớ cả dao cạo râu của bố. Bà khoe: “Mấy chiếc áo ố màu của con, thằng Cá cũng mang ra ngâm thuốc tẩy”. Nếu mẹ còn sống thì Cá đã chẳng phải trưởng thành trước tuổi. Sẽ có người lo lắng cho con trước mỗi chuyến đi. Thêm cái này, bớt cái kia, hoặc thủ thỉ dặn dò những điều cần thiết.
Huân đối xử với Cá như 2 người đàn ông trong nhà. Kiệm lời và có đôi khi rất lạnh lùng. Huân hay nhìn con từ phía sau và mường tượng ra nó lớn dần lên như một chàng trai, một tán cây rộng lớn. Huân không biết thằng bé cũng hay nhìn ngắm lưng áo bố mình. Trong mắt Cá, bố là tất cả những gì gần gũi, thân thuộc nhất. Ngay cả bóng bố đổ dài dưới nắng, Cá cũng thấy thân thương. Vết nẻ trên gót chân bố, vết sẹo đuôi mắt bố và cả những sợi tóc trắng mọc đầy đầu khi bố mới ngoài 40 tuổi, đều khiến Cá buồn. Có hôm Cá lân la lại gần: “Để con nhổ hết những sợi tóc trắng trên đầu bố. Bà nói, nhìn bố nhiều tóc trắng thế kia ai dám lấy”. Huân đâu có định lấy ai, chỉ sợ người ta về lỡ không thương thằng Cá.
…Xe đổ đèo. Cá tựa đầu vào cửa kính nhìn cây lá lấp lánh trong ánh nắng mai. Trẻ con trên xe hát hò, cười khóc. Chỉ có Cá lặng lẽ nhìn ra ngoài, 2 bàn tay đan vào nhau đặt ngay ngắn trên đùi. Huân bảo:
- Cá lên thi hát đi. Có phần thưởng đấy.
- Nhưng con có hát hay đâu bố.
- Ở đây có thi giọng hát hay đâu con. Cá nhìn các bạn kìa. Bố muốn thấy Cá vui như thế.
Một bạn nhỏ cầm tay Cá lôi lên. Cá ngoảnh nhìn về phía bố thì nhận được nụ cười khích lệ. Cá ngượng ngùng cất tiếng hát, 2 tay vân vê vạt áo, mắt cúi xuống không dám nhìn ai. Chỉ khi những tiếng vỗ tay vang lên Cá mới ngẩng đầu dần. Tất cả xe cùng nhau hát vang nhưng Huân vẫn nghe thấy tiếng hát của con mình, trong trẻo. Lúc về chỗ ngồi, Cá vẫn chưa hết run, thằng nhỏ mải miết nhìn bầu trời qua cửa kính xe. Cá nghĩ, chắc hẳn mẹ cũng đã nghe thấy tiếng Cá vừa hát. Những đám mây cũng biết mỉm cười. Xe càng lên cao càng gần mây hơn. Cảm giác như chỉ cần mở cửa xe là mây đã ùa vào lòng Cá. Chưa bao giờ Cá cảm thấy được gần mẹ đến vậy. Mây trắng bồng bềnh trên đỉnh núi, chảy tràn xuống như thác đổ. Tựa như xe đang trôi giữa một dòng sông mây cổ tích.
Huân lặng lẽ đứng một góc nhìn con vui đùa cùng chúng bạn. Thế giới rộng lớn với bao điều thú vị này là của con. Con sẽ phải bước ra khỏi thế giới bé nhỏ của mình để khôn lớn, trưởng thành. Sẽ có nhiều vòng tay dang ra chào đón yêu thương con. Huân biết, những ý nghĩ về mẹ sẽ mãi mãi ở trong tim con. Đẹp đẽ và ấm áp dẫn lối con trên chặng đường phía trước. Huân để cho mây luồn qua những kẽ tay. Gần gũi như ngày xưa để tóc Sương buông xuống từng ngón tay mình vậy. Giờ thì Huân đã thấy lòng bớt đi hiu quạnh. Chỉ cần nghe thấy tiếng con cười là những sợi tóc trắng trên đầu cùng muốn hồi xanh…