Bản báo cáo dành cho các nhà hoạch định chính sách (SPM) có tên “Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, thích ứng và tình trạng dễ bị tổn thương” vừa được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) chấp nhận, công bố. Báo cáo được hoàn thiện và phê duyệt bởi 270 tác giả và 195 chính phủ - là đánh giá toàn diện nhất về tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược để thích ứng kể từ năm 2014, với hơn 34.000 bài báo khoa học được sử dụng làm tài liệu tham khảo.
Một trong những nhận định then chốt được nêu trong báo cáo là các chính sách và cam kết phát thải hiện tại đang đưa thế giới vào tình trạng ấm hơn khoảng 2,3 -2,7°C. Nếu các chính phủ nghiêm túc đáp ứng các cam kết đã đưa ra về cắt giảm phát thải trong thời gian ngắn, mức tăng nhiệt độ có thể giảm nhẹ, còn khoảng 2,3-2,4°C.
Trong khi đó, ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được kiềm chế ở mức gần 1,5°C thì vẫn chưa đủ để ngăn chặn tất cả những tổn thất và thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu.
Với mức tăng nhiệt độ trên 1,5°C, nguy cơ mất mùa ngô hàng loạt ở các vùng sản xuất lương thực lớn khác nhau sẽ tăng lên, đe dọa chuỗi cung ứng ngô toàn cầu. Nếu mức tăng nhiệt chạm mốc 2°C, người dân sẽ không còn có thể trồng các loại cây chủ lực ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, nếu không có các biện pháp thích ứng (mà hiện nay chưa có)....
Bên cạnh đó, các thành phố, thị trấn và làng mạc ven biển sẽ ngày càng phải đối mặt với những giới hạn thích ứng khi mực nước biển tiếp tục dâng cao. Dân số ven biển phải hứng chịu những trận lũ lụt nghiêm trọng hiện được dự đoán sẽ tăng 20% mỗi 100 năm khi mực nước biển dâng thêm 15cm và sẽ tăng gấp đôi khi mực nước biển dâng 75cm (dự kiến kịch bản này sẽ xảy ra vào năm 2100 nếu lượng phát thải cao hoặc vào năm 2150 nếu có lượng phát thải thấp hơn).