Hiện nay, hầu như mạng xã hội (MXH) lớn của thế giới đều có mặt ở Việt Nam. Trên MXH chứa đựng nhiều điều tốt đẹp và không ít điều xấu xí, độc hại. Điều đáng buồn là trên MXH ở Việt Nam, những nội dung xấu, độc đang tràn lan, rất khó kiểm soát, đặc biệt là ẩn chứa những video clip dễ thu hút sự tò mò của người xem và dễ phát tán, dễ lan truyền.
Tràn lan video clip độc hại
Mới đây Sở TT-TT Bắc Giang đã xử phạt hành chính Nguyễn Văn Hưng (chủ nhân kênh YouTube Hưng Vlog) 2 lần liên tiếp (7,5 triệu đồng và 10 triệu đồng) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu Nguyễn Văn Hưng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Trước đó, YouTuber Hưng Vlog (con trai của bà Tân Vlog - một hiện tượng mạng) chuyên sản xuất video chơi khăm các thành viên trong gia đình. Các nội dung được người này đăng tải bị dân mạng đánh giá là nhảm nhí, vô bổ.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê ở quý 3-2020, nhưng 2 video clip Hưng Vlog đã chủ động gỡ bỏ cho thấy con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong số các video clip độc hại đang tràn lan trên YouTube.
Hơn thế nữa, Hưng Vlog chỉ chịu gỡ bỏ clip sau khi Sở TT-TT Bắc Giang vào cuộc, xử phạt sau 2 lần vi phạm liên tiếp chỉ trong 1 tháng. Sau Nguyễn Văn Hưng, một số YouTuber nổi tiếng cũng đã chủ động gỡ bỏ 6 video bị đánh giá là phản cảm, thiếu tính giáo dục, bị rất nhiều người xem chỉ trích.
Kể từ năm 2010, Google đã đưa ra một hệ thống báo cáo minh bạch để cung cấp cho người dùng biết về số lượng video đã bị gỡ bỏ trên YouTube và lý do vì sao chúng bị gỡ bỏ. Phần lớn các nội dung bị yêu cầu gỡ bỏ trong số này đến từ YouTube, nền tảng gây tranh cãi rất nhiều những năm qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Thống kê trên thế giới trong quý 2-2020 cho thấy YouTube đã gỡ bỏ 11,4 triệu video, nhưng chỉ hơn 550.000 video được chủ động gỡ bỏ bởi người dùng, bị cắm cờ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nước sở tại. Đáng chú ý, con số 11,4 triệu video bị gỡ bỏ trong quý 2 vừa qua là con số kỷ lục trong 3 năm trở lại đây. Nó cho thấy YouTube phụ thuộc rất lớn vào hệ thống kiểm duyệt tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và thường bỏ lọt nhiều video xấu, độc.
Riêng ở Việt Nam, có hơn 222.000 video bị gỡ bỏ trong quý 2-2020, đứng thứ 12 trên toàn cầu. Theo thống kê, cứ mỗi phút, người dùng YouTube trên thế giới lại tải lên một khối lượng video dài 500 giờ, tạo ra hơn 5 tỷ video cho nền tảng này. Dù đã rất nỗ lực tuyển nhân viên chuyên trách kiểm duyệt, YouTube cho thấy nền tảng này không có khả năng lọc những video xấu, độc ở mức độ cảnh báo nguy hiểm hoặc gắn mác “18+”.
Theo các chuyên gia, chừng nào YouTube vẫn còn giữ chế độ đề xuất video clip dựa vào view và tự động chạy (autoplay) các video theo nội dung ngẫu nhiên, chừng đó các video xấu, độc vẫn còn cách len lỏi tới nhiều người xem.
Cạm bẫy văn hóa
Không ai phủ nhận sự sáng tạo, tích cực của mạng xã hội, nhất là việc kết nối con người, tạo ra một “không gian mới” có thể tương tác, lưu trữ tất cả những thông tin đời sống xã hội loài người. Nhưng thực tế, rất nhiều người đã bị sập bẫy trên MHX. Ma trận và cạm bẫy được giăng khắp nơi, bẫy tiền bạc có, và bẫy tình cũng có. Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua MXH hiện nay không hiếm. Đã có người mất hàng tỷ đồng vì tin vào “bạn bè” chỉ quen qua MXH. Nhiều cô gái mới lớn cả tin cũng trở thành nạn nhân bị xâm hại, bị quấy rối từ thủ đoạn lừa đảo “kết bạn”, “làm quen” trên các MXH.
Cùng với đó, nhiều người bị sập bẫy thông tin trên MXH khi trở thành cánh tay nối dài cho những nội dung xấu, độc, kích động tiêu cực, trái pháp luật, chống phá Nhà nước… Do không kiểm chứng thông tin và thiếu trách nhiệm, họ “góp phần” lan truyền tin giả trên MXH với tốc độ chóng mặt. Hàng loạt vi phạm kiểu này đã bị cơ quan chức năng xử lý trong đợt dịch Covid-19 ở Việt Nam vừa qua là ví dụ điển hình.
Nguy hại lớn nhất trên MXH hiện nay chính là cạm bẫy văn hóa. Vào MXH, đọc 1 nội dung, xem 1 video clip, ban đầu, người dùng có cảm giác “không mất gì”, chỉ cho vui, giải trí. Có 1 sẽ có 2 và nhiều hơn nữa. Những nội dung, hình ảnh đó “âm thầm” chi phối, gặm nhấm người dùng. Đến một lúc nào đó, sẽ làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của người dùng MXH theo hướng tiêu cực.
Đặc biệt là với trẻ em, trong độ tuổi học tập và hình thành nhân cách. Những video clip, nội dung MXH nhảm nhí, giật gân, phản cảm, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành nhân cách của trẻ em hiện nay. Đó còn là những trò chơi hết sức nguy hại khi MXH hướng dẫn trẻ em làm những việc phi đạo đức, hoặc tự làm hại bản thân mình.
Trong quá trình theo dõi và xử phạt YouTuber Nguyễn Văn Hưng, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT-TT Bắc Giang nhận định: “Trên môi trường internet, chúng ta khó xác định người xem là ai. Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người xem video nhảm nhí là người trẻ, đặc biệt là trẻ em. Nếu để các video trên tồn tại, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của người trẻ”.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) thời gian qua, đơn vị đã phát hiện hàng ngàn video, clip xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thông tin “nhảm”, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, cổ xúy tệ nạn xã hội, lối sống lệch lạc.
Theo A05, có thời điểm nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự đã tạo lập trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube và đăng hình ảnh, video. Những hình ảnh, clip đều nói về cuộc sống giang hồ, xã hội đen nhưng lại trở thành hiện tượng thu hút hàng triệu lượt theo dõi. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh mạng cũng thường xuyên rà soát và đã phát hiện khoảng 425 trang mạng cung cấp các nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên internet. A05 cho biết thời gian vừa qua, đơn vị đã xử lý 32 trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; gỡ bỏ hơn 300 bài viết, bình luận có nội dung xấu, độc.
A05 cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.337 clip, 3 kênh YouTube (2 kênh của Khá “bảnh” và 1 kênh của Dũng “trọc”); yêu cầu Facebook gỡ bỏ 544 bài viết, tài khoản cá nhân và Fanpage trên Facebook có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện...
Để lôi kéo người xem, câu like (lượt thích) với mục đích kiếm tiền quảng cáo chia sẻ từ MXH, các “giang hồ mạng” không từ bất kỳ chiêu trò nào, tạo nội dung độc lạ, giật gân, sẵn sàng bóp méo văn hóa Việt bằng những kiểu troll nhảm nhí, phản cảm, kích động nhất. Đó là các trường hợp như Ngô Bá Khá (tức Khá “bảnh”), Bùi Xuân Huấn (Huấn “hoa hồng”), Nguyễn Văn Dũng (Dũng “trọc”)… Thật đáng buồn là những clip, nội dung giật gân, kích động như vậy lại thu hút rất nhiều lượt người xem, like, chia sẻ. Không ít người cổ xúy cho hành vi phản cảm, nhiều bạn trẻ thậm chí còn thần tượng “giang hồ mạng” như những người hùng. |