* Chi chiết khấu phát hành SGK khoảng 250 tỷ đồng/năm
Ngày 25-9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban đã sơ bộ thông tin về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 - 2017.
Ủy ban này cho hay, quy định về thẩm quyền của Bộ GD-ĐT tại Khoản 3, Điều 99 Luật Giáo dục hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK phổ thông trong những năm qua, gây bức xúc dư luận xã hội.
Mặc dù Luật Xuất bản 2012 đã có một số quy định về điều kiện xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm nhưng chưa đủ để khắc phục bất cập này.
Quy định về việc sử dụng 1 bộ SGK thống nhất trên cả nước tại Khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành đến nay không còn phù hợp, mâu thuẫn với quy định “thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học” tại Nghị quyết số 88/2014/QH 13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông.
Về xuất bản SGK phổ thông, qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn cho rằng, việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK.
Đối với việc in, phát hành SGK phổ thông, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, số lượng SGK phổ thông đã in, phát hành giai đoạn 2012 - 2017 tương đối ổn định (khoảng trên 100 triệu bản/năm) và chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.
Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN (mô hình trường học mới) và tài liệu Tiếng Việt công nghệ giáo dục thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.
Hàng năm Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức in SGK phổ thông theo hai hình thức: in gia công và in đấu thầu rộng rãi toàn quốc.
Tuy nhiên, việc in SGK chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXBGDVN và những tên sách có số lượng in thấp.
Do đó, tính cạnh tranh chưa cao, dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in. Việc phát hành SGK phổ thông được thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXBGDVN.
Hệ thống phát hành SGK còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển.
Mức chi chiết khấu phát hành SGK phổ thông khoảng 250 tỷ đồng/năm (tương đương với 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh.
Vẫn theo Ủy ban, mặc dù giá bán SGK phổ thông hiện hành khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường xuất bản phẩm và giữ nguyên từ năm 2011 nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, thay mới hàng năm, gây lãng phí phân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội.
Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập vào hầu hết SGK tiểu học và THCS; chất lượng giấy in, đóng quyển sách giáo khoa giáo dục phổ thông chưa bảo đảm; việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng, giữ gìn, bảo quản sách và công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành SGK của Bộ GD-ĐT chưa được quan tâm đúng mức…