Thể chế là điều kiện tiên quyết

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, điều khác biệt của Nghị quyết số 57-NQ/TW là những định hướng mang tính đột phá để tháo gỡ các “điểm nghẽn” hiện nay trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Công nghiệp chiến lược

PHÓNG VIÊN: Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Là một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, ông có suy nghĩ gì?

* Ông NGUYỄN PHƯƠNG TUẤN: Với tư cách một đại biểu dân cử được phân công theo dõi mảng khoa học, công nghệ trong nhiệm kỳ khóa XV, tôi rất vui mừng khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57).

M1c.jpg
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Để chủ động thích ứng với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Song, so với các nghị quyết trước đây, điểm đặc biệt của Nghị quyết số 57 là xác định cụ thể ưu tiên tập trung vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mang tính đột phá.

Đặt trong bối cảnh dư địa phát triển truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp thì chủ trương chuyển trọng tâm sang các ngành có động lực tăng trưởng cao dựa trên nền tảng phát triển ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là hướng đi đúng đắn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Chủ trương này cũng giúp chúng ta phát huy được những ưu thế của mình như một trong những quốc gia năng động ở châu Á chủ động, năng động và kịp thời thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, bước đầu tham gia vào ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn.

Theo ông, trong Nghị quyết số 57, Bộ Chính trị đã đưa ra những định hướng nào mang tính đột phá để tháo gỡ các “điểm nghẽn” hiện nay trong lĩnh vực này?

* Khi đưa ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện, các nghị quyết trước đây đều xác định những điểm hạn chế, bất cập, điểm nghẽn cần tháo gỡ. Điều khác biệt của Nghị quyết số 57, nằm ở “những định hướng mang tính đột phá”. Cá nhân tôi cho rằng những đột phát đó tập trung ở các điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, Nghị quyết số 57 xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi. Trong đó, thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Trước đây, chúng ta thường xác định điểm nghẽn của phát triển là về tư duy, nguồn lực, nhân lực và dường như có phần e ngại khi đề cập đến vấn đề thể chế. Tuy nhiên, đến Nghị quyết số 57 thì thể chế được xác định là điều kiện tiên quyết, là nhiệm vụ cần phải khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện.

Thứ hai, Nghị quyết số 57 nhấn mạnh mục tiêu đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu. Tôi cho rằng, đây là một định hướng mới, bắt kịp với xu hướng phát triển của các nước phát triển về công nghệ trên thế giới.

Thứ ba, Nghị quyết số 57 chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp về công nghiệp chiến lược. Trước đây, chúng ta đã từng đề cập đến công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn và trong bối cảnh hiện nay chúng ta có công nghiệp chiến lược.

Theo tôi hiểu hàm ý ở đây là định hướng ưu tiên đến lĩnh vực công nghệ mới để tập trung nguồn lực, trong đó có chính sách đầu tư trọng điểm cho nghiên cứu và phát triển để hình thành các ngành công nghệ cao mang tính dẫn dắt.

Bên cạnh những điểm nêu trên, các định hướng về cơ chế thử nghiệm chính sách, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu, đổi mới đầu tư, đẩy mạnh hợp tác công tư… trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là những vấn đề chứa đựng nhiều quan điểm đột phá.

M3c.jpg
Nghiên cứu tế bào gốc tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM. Ảnh: BÁ TÂN

Tháo bỏ mọi rào cản

Những rào cản pháp lý nào cần được loại bỏ để doanh nghiệp dễ dàng triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thưa ông?

* Đây là một câu hỏi dễ, nhưng lại rất khó để trả lời thấu đáo. Câu hỏi dễ vì đây là vấn đề chung, thường trực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không riêng ở Việt Nam, mà là bài toán chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Về phía chúng tôi, khi xem xét các dự thảo luật, giám sát hoạt động của Chính phủ hay xem xét các dự án quan trọng của quốc gia đều dựa trên câu hỏi: Liệu đã bảo đảm được sự thông thoáng, điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và người dân phát triển hay chưa?

Trở lại với Nghị quyết số 57, tôi cho rằng, với việc xác định “người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, cùng với các giải pháp về thể chế, về đầu tư, hạ tầng, Nghị quyết số 57 đã hướng đến mục tiêu tháo bỏ mọi rào cản, không riêng gì rào cản pháp lý, để doanh nghiệp dễ dàng triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhưng như đã nói từ đầu, đây là một bài toán khó. Do vậy, để giải quyết, cần tiếp tục cụ thể để xác định rào cản hiện tại của doanh nghiệp là gì và xin nhấn mạnh lại một lần nữa là không riêng gì rào cản pháp lý.

Ông có cho rằng, để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững và có tính cạnh tranh quốc tế, cần có những chính sách hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D)? Với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay, quá trình chuyển đổi số được cho là còn nhiều vướng mắc. Giải pháp nào để tháo gỡ?

* Không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của các chính sách hỗ trợ tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững và có tính cạnh tranh quốc tế. Các chính sách hỗ trợ này hiện đang đứng trước bài toán khó, khi làm sao để vừa hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để xây dựng các “Big Tech” Việt Nam, lại vừa có hỗ trợ kịp thời, thực chất đối với nhóm DNNVV.

Hiện nay, DNNVV chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Là khu vực năng động, sử dụng nhiều lao động trẻ, DNNVV Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo, điện - điện tử và công nghệ thông tin.

Tuy vậy, vừa qua khi chúng tôi khảo sát một số DNNVV để phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các DN phản ánh rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, khó khăn khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại, chưa nhận được các ưu đãi cụ thể hoặc ưu tiên cho các sản phẩm công nghệ thông tin và an ninh mạng; thậm chí chưa được tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp DNNVV đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nói riêng cũng như mở rộng phát triển kinh doanh nói chung, tôi cho rằng cần thiết kế các quy định cụ thể các chính sách ưu đãi về: hỗ trợ về thông tin và cắt giảm thủ tục hành chính (thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định…); hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ (thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng); khuyến khích và hỗ trợ việc thành lập các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp…

Các quy định này đã từng được đề cập ở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian tới cần tiếp tục được quy định cụ thể hơn ở Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tại Nghị quyết số 57, bên cạnh các chính sách chung dành cho các doanh nghiệp, nghị quyết cũng đã nêu rõ việc cần có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là DNNVV, đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục