Vớt vát cuối cùng
Trước đó, ông Donald Trump không chịu ký dự luật cứu trợ Covid-19, yêu cầu sửa nội dung dự luật (mỗi người dân Mỹ phải được nhận 2.000 USD cứu trợ, thay vì 600 USD) nhằm gây khó dễ cho chính phủ mới của Tổng thống mới đắc cử Joe Biden.
Theo dự luật ngân sách mà Tổng thống Donald Trump vừa ký ban hành, chính phủ sẽ dành 740,5 tỷ USD chi tiêu quốc phòng và 664,5 tỷ USD cho các chương trình trong nước, như: giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế, an ninh nội địa... Trong khi đó, dự luật cứu trợ Covid-19 tập trung vào việc gia hạn hỗ trợ người thất nghiệp, các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trị giá 275 tỷ USD.
Theo đề xuất của gói tài chính cứu trợ Covid-19, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người. Ngoài ra, mỗi thành viên phụ thuộc dưới 18 tuổi trong cùng một hộ gia đình cũng được nhận 600 USD.
Hai dự luật này đã được lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua sau khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận đáp ứng một số ưu tiên của các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng như các điều khoản mục tiêu mà các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện đưa ra. Đây là thỏa thuận với những dự luật chi tiêu lớn nhất sau Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn vào cuối tháng 3-2020.
Hai chương trình trợ cấp thất nghiệp liên bang được phê duyệt hồi tháng 3 nằm trong kế hoạch cứu trợ Covid-19 được ban hành đầu năm đã hết hạn vào đêm 26-12, khiến việc trợ cấp cho 12 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch trở nên gián đoạn.
Phản ứng cầm chừng
Dù hoan nghênh gói cứu trợ nhưng nhiều nhóm vận động trong quốc hội cho rằng khoản tiền trên không đủ để giúp đỡ những người Mỹ đang vật lộn với khó khăn trong nhiều tháng. Các nhóm trên kêu gọi Tổng thống mới đắc cử Joe Biden có thêm chính sách hỗ trợ khi ông chính thức bước vào Nhà Trắng. Về phần mình, ông Biden tuyên bố sẽ yêu cầu quốc hội thông qua thêm một gói cứu trợ nữa sau khi ông nhậm chức đầu năm tới.
Chuyên gia chiến lược Stephen Innes của hãng Axi nhận định, gói kích thích kinh tế trị giá 900 tỷ USD cho phép thị trường tài chính xoay xở dễ dàng hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các chỉ số chứng khoán trên thị trường châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 28-12.
Theo đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,4% lên 26.771,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,4% lên mức 3409,6 điểm. Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng 0,2% lên 26.441,12 điểm. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) cũng tăng 0,2%. Thị trường chứng khoán tại Seoul, Singapore, Jakarta và Bangkok cũng đồng loạt tăng 1% trong phiên giao dịch cùng ngày, trừ Manila giảm 0,9%.
Cùng ngày, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1%, lên 1.895,03 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 0,8%, lên 1.899,10 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu thế giới giảm 0,3%, chốt ở mức 48,11 USD/thùng, trong khi dầu Brent biển Bắc giảm 0,4%, đứng ở mức 51,09 USD/thùng.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 28-12, thế giới ghi nhận tổng cộng 81.126.414 người mắc Covid-19, trong đó có 1.771.407 ca tử vong. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 19.567.7874 ca nhiễm, 341.138 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 10.208.725 ca nhiễm, 147.940 ca tử vong; Brazil với 7.484.285 ca nhiễm và 191.146 ca tử vong. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều nước phát hiện các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi VUI-202012/01 đang lây lan nhanh tại các nước. |