Thẻ BHYT dùng khám bệnh tổng quát được không?

Người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và được hưởng mức bao nhiêu? Tôi có thể dùng thẻ BHYT diện hộ nghèo được cấp để đi xét nghiệm, khám tổng quát một lượt được không, có mất thêm tiền? (Ông NGUYỄN VĂN THANH, quận 3, TPHCM)
Thẻ BHYT dùng khám bệnh tổng quát được không?

   Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Đối tượng tham gia BHYT thuộc hộ nghèo, mang mã đối tượng HN được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT hoặc đối tượng thuộc hộ cận nghèo mang mã đối tượng CN được hưởng 95% chi phí BHYT.

Điều 23 Luật BHYT quy định: Xét nghiệm không nhằm mục đích điều trị và khám sức khỏe không được hưởng quyền lợi BHYT. Vậy trường hợp của bạn đi xét nghiệm không nhằm mục đích điều trị, khám tổng quát sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT.

 Tôi vừa là người có công với cách mạng (được tặng Huy chương kháng chiến) vừa là cựu chiến binh (được hưởng chế độ theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ), như vậy tôi được hưởng chế độ BHYT theo mã gì và mức nào? Tôi cần đến đâu để đổi thẻ BHYT? (Ông ĐẶNG VĂN SƠN, email: vinhphuc19…@gmail.com)

 Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có mức hưởng cao nhất. 

Ông vừa có công với cách mạng vừa là cựu chiến binh, theo quy định, ông được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT ghi mã đối tượng (ký hiệu: CK) và quyền lợi cao nhất (ký hiệu: 2) theo mức hưởng BHYT của người có công với cách mạng.

Nếu thẻ BHYT của ông cấp theo đối tượng khác và có mức hưởng chưa đúng, đề nghị ông ghé phòng LĐTB-XH quận-huyện, nơi ông đăng ký hộ khẩu thường trú để rà soát, xác định đúng đối tượng và lập danh sách điều chỉnh, chuyển cơ quan BHXH đổi thẻ BHYT đúng đối tượng, mức hưởng theo quy định.

Tôi là bộ đội, tập kết ở Quân khu 4, nay nghỉ hưu, 60 năm tuổi Đảng. Vợ tôi có được hưởng BHYT theo không? Những ai, diện nào thì vợ-chồng được “ăn ké”, được cấp thẻ BHYT? (Ông NGUYỄN VĨNH CỬU, ngụ quận 1, TPHCM)

 Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì thân nhân của người có công với cách mạng (trừ cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) được ngân sách nhà nước đóng BHYT, bao gồm: 1- cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

  Nếu ông thuộc đối tượng theo quy định nêu trên, đề nghị ông đến Phòng LĐTB-XH quận 1, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để lập danh sách cấp thẻ BHYT cho vợ ông theo đối tượng thân nhân của người có công với cách mạng. 

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục