Tờ trình của Chính phủ đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Về vấn đề này, hiện có các loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất ủng hộ việc bổ sung thêm một ngày nghỉ trong khoảng thời gian từ 2-5 đến 1-9 (vì sau ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 đến 2-9 không có ngày nghỉ lễ nào) và đề nghị lấy Ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28 -6 dương lịch) làm ngày nghỉ lễ. Loại ý kiến thứ hai tán thành đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Loại ý kiến thứ ba, đề nghị cân nhắc việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vì chưa có đánh giá tác động chính sách. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ.
Với nội dung này, tại thảo luận chiều 29-5, ý kiến các ĐBQH rất khác nhau, và có vô vàn đề nghị chọn một ngày nghỉ lễ phù hợp. Nhiều ĐB như ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng), ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) và nhiều ĐB tán thành có thêm ngày nghỉ 27-7 để cả nước hướng đến các hoạt động tri ân người có công.
Không đồng tình với ngày nghỉ lễ 27-7 như đề xuất của Chính phủ, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng việc bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm là cần thiết nhưng vào ngày nào thì Chính phủ nên cân nhắc và lắng nghe ý kiến từ phía người dân. “Quan điểm của tôi là khi chúng ta có ngày tôn vinh phụ nữ thì cũng nên dành một ngày để tôn vinh đàn ông. Trên thế giới đã có rất nhiều nước có ngày này, riêng Việt Nam vẫn chưa có. Đây cũng là tâm nguyện của tôi bấy lâu nay”- ĐB Trần Thị Quốc Khánh nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, phương án này sẽ khiến cho một bộ phận người dân từng thuộc về chiến tuyến bên kia “tâm tư”. “Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ khép lại. Chúng ta tưởng nhớ tới những anh hùng thương binh liệt sĩ là nghĩa cử cao đẹp, song nếu đưa ngày này vào ngày nghỉ lễ thì người thân của phía bên kia chiến tuyến sẽ như thế nào?”, ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu và đề xuất thay vì ngày 27-7 nên đưa ngày Gia đình Việt Nam 28-6 vào ngày nghỉ lễ. “Ai trong mỗi chúng ta cũng đều có gia đình, còn gì tuyệt vời hơn khi có một ngày nghỉ lễ để các thành viên được quây quần đoàn tụ bên nhau”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói.
ĐB Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) cũng nhấn mạnh cơ sở đề xuất đưa ngày 27-7 là ngày nghỉ lễ của Chính phủ chưa thuyết phục. Bởi hàng năm, ngoài ngày 27-7, vào dịp lễ tết, các cấp các ngành đều có hoạt động tưởng nhớ, đền ơn đáp nghĩa. Do đó, không nên chọn ngày 27-7 là ngày nghỉ lễ mà nên thay vào dịp khác cho hợp lý hơn.
Ngoài đề nhiều đề xuất chọn ngày nghỉ là ngày Gia đình Việt Nam 28-6, nhiều ĐB khác có đề xuất khá thú vị. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế) đề xuất ngày nghỉ lễ là ngày khai giảng. “Dịp toàn dân đưa trẻ tới trường, không cho nghỉ thì các bậc cha mẹ vẫn xin nghỉ để cùng con tựu trường”, ĐB nói. ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) tán thành có thêm 1 ngày nghỉ, nhưng không đồng ý nghỉ ngày 27-7, mà nên nghỉ ngày 31-12 là ngày nghỉ cuối năm để nghỉ cùng ngày tết dương lịch, “vì mong muốn của NLĐ là được nghỉ nhiều ngày/kỳ, còn nghỉ 1 ngày không giải quyết được vấn đề gì”.
ĐB Nguyễn Đức Sáu (TPHCM) cũng đề nghị nên chọn ngày 28-6 thay vì ngày 27-7. ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, nếu nghỉ ngày 27-7 thì cũng rất đáng trân trọng, còn nếu phải chọn phương án khác thì nên chọn ngày 28-6. ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, so với các nước trên thế giới, ngày nghỉ của ta là ít, nên có thêm ngày nghỉ ngơi thực sự giúp tái tạo sức lao động. ĐB Nguyễn Quốc Bình cho rằng, dù ngày 27-7 hoặc 28-6 thì ông đều ủng hộ.