Để có được con chữ, các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk phải thức dậy đi học từ lúc 4 giờ 30 sáng, vượt qua những con suối dữ, hay hàng chục cây số đường đồi dốc, lầy lội. Giáo viên, ngoài nhiệm vụ dạy chữ còn dành thời gian quyên góp sách vở, áo quần cho học sinh và kiêm thêm nhiệm vụ “tài xế” không công để đưa đón các em đến trường.
Đi học từ tờ mờ sáng
Có mặt tại buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk vào lúc 4 giờ sáng, hàng chục căn nhà đã sáng đèn, tiếng người nói chuyện rôm rả vang khắp buôn bản. Ghé nhà bà Lò Thị Su, khi bà đang loay hoay nấu mì tôm, còn con trai là Vừ Văn Tương (học lớp 6E, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Ea Kiết) đang sắp xếp bút vở vào túi sách để chuẩn bị đi học.
“Nhà cách trường 12km, vì thế, mỗi ngày tôi phải dậy sớm để nấu ăn cho con đi học. Vất vả nhưng vẫn cố gắng để con kiếm cái chữ”, bà Su nói.
Em Vừ Văn Tương góp chuyện: “Đường xa, lại dốc trơn trượt nên em bị té ngã hoài. Có thời điểm em cũng nản nhưng lại nghĩ, bây giờ khó cũng đã khó, chỉ còn cách đi học để có kiến thức, sau này đỡ khổ. Mẹ cũng động viên em theo học đến cùng”.
4 giờ 30 sáng, Tương dắt xe đạp ra cổng làng, nơi có chừng chục em học sinh cùng trường đã đợi sẵn. Các em leo lên xe đạp và bắt đầu hì hục đạp. Con đường đến trường là lối mòn nhỏ với ít nhất 5 con dốc và 2 con suối. Khi đi đến đoạn dốc cao, cả nhóm dắt bộ, đến đoạn đường bị lầy lội thì cùng đẩy. Khổ nhất là đoạn qua suối có chiều rộng hơn 30m, bên trên là cầu gỗ tạm, phía dưới là nước chảy xiết và những mỏm đá nhấp nhô. Do cầu hẹp và yếu nên việc chạy xe qua rất khó. Mỗi lần người đi qua là cầu rung bần bật. Gần một tiếng rưỡi đồng hồ băng rừng, các em mới đến được trường.
“Bây giờ nắng, trời mau sáng thì khỏi cần đèn pin, chứ mùa mưa phải đội đèn pin để đi học. Mùa mưa khổ nữa là đường lầy lội, suối thì nước chảy xiết, đi qua sợ lắm. Có bữa té làm sách vở, áo quần ướt nhèm, rồi xe bị hư giữa đường, lúc ấy chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Tuy nhiên, bọn em nghĩ chỉ có học mới thoát nghèo nên cố gắng vượt khó đến trường”, em Hoàng Thị Nhung, học sinh lớp 8, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, nói.
Theo ông Hoàng Văn Páo, Trưởng buôn H’Mông: “Buôn có hơn 100 hộ dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống. Hiện có khoảng 200 học sinh đang theo học mầm non, tiểu học và THCS. Những em học tiểu học và mầm non thì học trong làng. Còn học THCS thì phải vượt núi, băng rừng hơn 10km để ra xã học, rất vất vả. Thương các em nên thôn luôn tìm mọi cách tạo điều kiện tốt nhất để các em đến trường. Chúng tôi hay nhắc nhở các em khi đi học thì lái xe cẩn thận, đi cùng nhau để cùng giúp nhau khi gặp sự cố, hoặc nếu gặp chuyện vượt quá khả năng thì báo về thôn để có hướng tháo gỡ”.
“Bắt” học sinh đến lớp
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong (Trường PTDTBTTH Đắk Roong, xã Đắk Roong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa 4 bề rừng núi, là nơi học tập của hàng trăm con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, trường này được đánh giá là điểm sáng trong việc ngăn học sinh nghỉ học. Hỏi về “bí kíp” giúp duy trì sĩ số học sinh đều đặn, thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường, nói: “Để học sinh đến lớp, thầy cô của trường phải tốn nhiều công sức, mồ hôi và cả nước mắt”.
Theo thầy Tuấn, do nhà của các em xa trường, đời sống các em còn khó khăn nên có tình trạng học sinh nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ làm nương rẫy. Nếu học sinh nghỉ học sẽ mất kiến thức nên khi có học sinh nghỉ học, trường tiến hành họp và huy động lực lượng giáo viên đi xuống làng và vào tận rẫy để vận động, đưa các em quay trở lại lớp. Cứ tầm 3 giờ sáng thì thầy cô lại chong đèn băng qua đồi núi và cả những con suối để “bắt” học sinh đến lớp. Rồi những lúc tan học, các em không có ai chở về thì thầy cô phải làm thay công việc của phụ huynh là đưa đón học sinh.
Cũng theo thầy Tuấn, đầu năm học này, để chuẩn bị cho việc dạy, trước ngày tựu trường, các giáo viên của trường đã xuống thôn làng vận động, thuyết phục các em đến trường.
“Do gia đình các em khó khăn, không có điều kiện mua sách vở, bút viết nên cũng chính những giáo viên phải ngược xuôi huy động các mối quan hệ để đi xin áo quần, sách bút vở và các vật dụng học tập cho các em. Bây giờ các em đã có đủ sách, bút và viết để học tập. Chứng kiến các em học giỏi và ngày càng tiến bộ, chúng tôi xem đó là động lực để tiếp tục công việc “bắt cóc” học sinh đến trường”, thầy Tuấn tâm sự.
Trong khi đó, tại nhiều điểm trường vùng cao ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, vừa qua tình trạng mưa lũ hoành hành khiến nhiều điểm trường bị hư hại, đường sá chia cắt, nhiều học sinh không thể đến lớp. Hiện nay, để đảm bảo cho việc học, các giáo viên bắt tay vào việc dọn dẹp trường lớp, dựng lại nhà ăn. Ông Lê Văn Hoàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tu Mơ Rông, cho biết, đối với những học sinh chưa đến lớp, phòng sẽ chỉ đạo cho các trường tổ chức xuống buôn bản vận động các em. Ngoài ra, căn cứ vào thực tiễn ở các trường, giáo viên sẽ tổ chức dạy thêm để bồi dưỡng kiến thức cho các em.