Thầy nội trò nội vượt sông - ra biển

Blockchain, robot, AI… vốn là sân chơi của các cường quốc công nghệ, nhưng có không ít trường đại học thuần Việt với thầy nội - trò nội vẫn tạo ra đội ngũ nhân sự chất lượng mà giới công nghệ quốc tế tìm cách “săn” về.
Thầy nội trò nội vượt sông - ra biển

1. Ngày 24-8-2014, tại Nhà thi đấu Balewadi (TP Pune, Ấn Độ), những trái tim Việt vỡ òa khi đội tuyển Robocon Trường Đại học Lạc Hồng (đại diện Việt Nam) đánh bại đối thủ cực mạnh là Nhật Bản để giành ngôi vị số 1 châu Á - Thái Bình Dương.

Từng chứng kiến trực tiếp khoảnh khắc nghẹt thở đó, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, thành viên dẫn đoàn, kể: “Ở trận chung kết, chúng ta gặp Nhật Bản, một đối thủ rất mạnh như chính lịch sử của quốc gia này. Dù vậy, sinh viên Việt Nam đã có màn trình diễn gần như hoàn hảo, chúng ta giành chiến thắng tuyệt đối ở giây thứ 47, rất đẹp mắt, giành chức vô địch ABU Robocon 2014. Chúng ta đã chờ đợi chiến thắng này sau trận chung kết thua chính Nhật Bản trước đó 7 năm”.

Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) là “em út” trong sân chơi sáng tạo robot ở Việt Nam. Suốt những năm đầu, họ chỉ dám đặt mục tiêu học hỏi công nghệ và từng bước rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Hành trình lớn lên phải trải qua nhiều tháng năm tôi luyện, họ vươn mình thành nhà vô địch rồi trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất nhì tại sân chơi châu lục, với 9 lần vô địch trong nước, 3 lần đăng quang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Họ một lần nữa chứng minh mình không “ăn may” khi lấn sân sang cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu quy tụ hàng trăm đội tuyển các trường đại học khu vực châu Á. Chuyến này, họ “xưng vương” 5 lần và nắm giữ kỷ lục khu vực, đại diện cho châu lục đến với đường đua thế giới.

Những chàng sinh viên Việt Nam vô địch cuộc thi Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên đất Nhật năm 2017

Những chàng sinh viên Việt Nam vô địch cuộc thi Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên đất Nhật năm 2017

Mọi quả ngọt đều mang trong mình mồ hôi và nỗ lực của người vun trồng. “Những ngày đầu tham gia sân chơi Robocon, chúng tôi chỉ là lính mới, thầy trò lặn lội tìm kiếm thiết bị, lúi húi thử nghiệm, ngày đêm ăn ngủ ở xưởng…”, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh nói.

Đi ra từ những cuộc thi về công nghệ quốc tế chẳng bao giờ là vô nghĩa, nếu bạn “nhập cuộc chơi” một cách thực chất, sòng phẳng, tận dụng cơ hội cọ xát. Từ đó, sinh viên trở thành ứng viên sáng giá cho các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Nguyễn Minh Thuận (thành viên đội Robocon LH New) cho biết: Em trở nên nhanh nhạy hơn trong giải quyết công việc, luôn tìm tòi cái mới, nâng cao tính sáng tạo tiếp cận “đề bài” mới. Có thể ban đầu chỉ là những con robot trong 1 cuộc chơi nhưng khi mình thực sự nỗ lực, tự khắc phát triển kỹ năng, kinh nghiệm. Từ cuộc thi, em đã hiện thực hóa được ước mơ đến Nhật Bản làm việc với tư cách là nhân lực chất lượng cao.

Kiến thức, sự sáng tạo, tính kỷ luật cao và bản lĩnh được rèn luyện từ những sân chơi lớn cũng là điểm cộng giúp nhiều sinh viên ngành CNTT, Điện - Điện tử được các “ông lớn” chiêu mộ.

Từ những ngôi trường thuần Việt, những thầy nội, trò nội đang nung nấu mục tiêu trở thành lời giải cho những thách thức của thời đại. Hành trình đó còn có những cái tên trong Nam ngoài Bắc, cùng nhau vun trồng nguồn nhân lực đủ sức khởi tạo ra sự chuyển mình cho bộ mặt công nghệ của Việt Nam và khu vực. Họ trở thành người chủ với ý nghĩa phổ quát hơn, nắm giữ tư duy sáng tạo, dám đột phá, có quyết tâm cùng tham vọng định danh tinh thần và trí tuệ Việt.

2. Tại những “gã khổng lồ” công nghệ như Amazon, Facebook, Google, Valeo.AI, Microsoft hay các trường đại học nắm giữ tinh thần thay đổi công nghệ thế giới, không khó để thấy những cái tên chủ chốt xuất thân từ đại học Việt Nam: Khoa CNTT Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (fit). Nhiều sinh viên xuất sắc vừa ra trường đã được các đại gia công nghệ “chào giá” với mức lương hấp dẫn cho mỗi cái gật đầu làm việc. Trong thế giới của những người làm công nghệ, fit là cái tên… bảo chứng. Những cựu sinh viên từ nơi đây vượt sông - ra biển khẳng định được chỗ đứng càng làm ý nghĩa này đủ đầy giá trị.

Sinh viên IT thuần nội của trường đại học này có đến 7 lần chạm ngõ vòng chung kết thế giới (World Final) cuộc thi lập trình quốc tế ICPC, một con số hiếm hoi của khu vực Đông Nam Á tại đấu trường học thuật cao cấp này. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là cơ sở đào tạo duy nhất của Việt Nam được trao tặng Giải thưởng ASOCIO ICT Awards 2019 cho đơn vị đào tạo công nghệ thông tin xuất sắc khu vực châu Á - châu Đại Dương trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh công nghệ số ASOCIO 2019, ghi nhận thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực.

3 cựu sinh viên Khoa CNTT Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có mặt tại vòng chung kết thế giới ICPC đều đạt học bổng trở thành tiến sĩ tại những trường đại học danh giá của Mỹ và Pháp

3 cựu sinh viên Khoa CNTT Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có mặt tại vòng chung kết thế giới ICPC đều đạt học bổng trở thành tiến sĩ tại những trường đại học danh giá của Mỹ và Pháp

Có rất nhiều yếu tố quyết định giá trị thương hiệu, song theo TS Lâm Quang Vũ, Phó Trưởng Khoa CNTT, Đại học Khoa học Tự nhiên chìa khóa để tạo ra sức nặng nằm ở sức mạnh nội sinh. Sự khác biệt của sức mạnh này ở chỗ, 90% thầy “nội” đào tạo ra những nhân sự có thể làm việc toàn cầu, họ trưởng thành rồi nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối cũng từ nơi đây. Chọn ở lại không phải vì họ không đủ sức để “xuất ngoại”, khi họ là “idol” của giới sinh viên, được nhiều nơi chiêu mộ. Có lý tưởng cống hiến, song họ chẳng vì thế mà viết một thuật toán hời hợt để “giải” cuộc đời mình. Lý tưởng cao nhất để chọn ở lại là vì một mái trường thuần Việt phát triển vẫn đủ cơ hội vẫy vùng.

Đào tạo công nghệ không thể… đóng cửa và một lần nữa, ngoại lực của fit cũng vươn mình từ nội lực. Cánh cửa quốc tế mở ra cho sinh viên từ mạng lưới cựu sinh viên, giảng viên thành danh ở nước ngoài. Sợi dây kết nối ẩn sau những dự án nghiên cứu, những cuộc trao đổi sinh viên… là cái tình được trao truyền thành nếp. Sức mạnh cộng hưởng từ nhiều phía, của thế hệ đi trước đến hiện tại chỉ với một tham vọng duy nhất: vươn tầm. Một khát vọng tưởng chừng chỉ là lý tưởng vô hình nhưng những nhà khoa học đã lượng hóa chúng thành những mục tiêu hiện hữu, cụ thể.

Với những người thầy, quan trọng hơn hết thảy là việc hun đúc cho các thế hệ sinh viên một nền tảng ước mơ đủ lớn để định vị sự nghiệp cá nhân và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đất nước.

3. Một trong những lượng hóa cụ thể nhất chính là sự thành nhân của học trò. Hoàng Gia Phú, sinh viên ngành Khoa học Dữ liệu, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) chưa tốt nghiệp đại học đã nhận được học bổng toàn phần từ các trường đại học nước ngoài: Thạc sĩ ngành Xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Mohamed bin Zayed University of Artificial Intelligence (UAE); học bổng “nhảy cóc” lên thẳng tiến sĩ từ The University of Texas at Dallas (Mỹ) dành cho những ứng viên xuất sắc nhất mà không cần phải qua bậc thạc sĩ.

Để trở thành số ít được “chọn mặt gửi vàng”, Gia Phú cũng phải chứng minh khả năng vượt trội. Gia Phú ghi dấu ấn cá nhân trong các dự án nghiên cứu tại tạp chí Neural Computing and Application (NCAA - ISI Q1) và tại hội nghị EACL (hạng A). Không dừng lại ở các hoạt động nghiên cứu học thuật, Gia Phú còn là nhân sự được Viện Dữ liệu lớn (VinBigData) của Tập đoàn Vingroup tuyển dụng ngay khi ngồi trên ghế giảng đường. Với mong muốn đóng góp cho xu hướng phát triển chung về xử lý ngôn ngữ tự nhiên tại khu vực và thế giới, Gia Phú luôn tự nhắn nhủ bản thân phải tập trung nghiên cứu các công nghệ về ngôn ngữ và không ngắt quãng công việc hiện tại kể cả khi xuất ngoại, đó là cơ hội để trau dồi bản thân trở thành một nhà nghiên cứu có giá trị.

Hứa Thanh Tân, sinh viên ngành Khoa học Máy tính, vượt qua nhiều ứng viên trở thành nhân sự công ty đa quốc gia WorldQuant. Ảnh: Developer Students Club

Hứa Thanh Tân, sinh viên ngành Khoa học Máy tính, vượt qua nhiều ứng viên trở thành nhân sự công ty đa quốc gia WorldQuant. Ảnh: Developer Students Club

Một đồng môn khác, Hứa Thanh Tân, sinh viên ngành Khoa học Máy tính khóa 2019, vừa đầu quân làm việc tại công ty đa quốc gia WorldQuant - một cơ hội cực kỳ tốt cho sinh viên IT. WorldQuant là công ty mảng fintech danh giá, có mức lương cực tốt mà bất cứ sinh viên nào cũng khao khát bước vào. Để vượt qua những đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia công nghệ, đương sự cũng không thể có “profile” tầm thường. Là sinh viên chương trình tài năng, Thanh Tân được tiếp cận với chương trình đào tạo vượt trội cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu, thường xuyên được trao cơ hội cọ xát với những cuộc thi lớn tầm quốc tế. Mỗi trải nghiệm từ giảng đường đại học Việt đã vun bồi thành những bước đi vững chãi tiến vào môi trường cạnh tranh đa quốc gia. Cậu thể hiện được tiềm năng của bản thân lĩnh hội từ một ngôi trường Việt để thuyết phục những nhà tuyển dụng khó tính.

Những bài báo khoa học, giải thưởng quốc tế tăng dần qua từng niên khóa, con số sinh viên chinh phục những tập đoàn lớn hay trường đại học xịn cứ thế lớn dần… Như một lẽ thường, khi đủ lớn, sẽ vượt sông - ra biển, để cá chép hóa rồng.

Tin cùng chuyên mục