Đang nằm đong đưa trên chiếc võng trước nhà, thấy khách đến, thầy ngồi dậy chào và đi nhanh vào phía trong thay bộ quần áo, thắt dây nịt gọn gàng, rồi trở ra bàn nước tiếp khách. 92 tuổi đời, thầy vẫn giữ được nét tinh anh, dáng vẻ và phong cách tự tin, lịch sự của một nhà giáo lão thành.
Kể chuyện về một thời đã qua, thầy vẫn còn nhớ gần như nguyên vẹn. Thầy cho biết, ngôi nhà đang ở là ngôi trường Nhạc Thanh được thầy dựng lên từ năm 1952, còn phía giếng nước đằng kia là ngôi trường xây lại sau đó ít năm. Nói là trường tiểu học nhưng đó chỉ là một phòng học rộng, có 3 dãy bàn, được bao bọc bằng vách lá thường. Thầy dạy cùng lúc nhiều lớp, học sinh ngồi theo lớp, theo từng dãy bàn.
Khi lập trường, thầy đã là một đảng viên. Dạy học chính là cái vỏ bọc để hoạt động cách mạng của thầy. Ở đây, thầy không chỉ dạy chữ mà là dạy làm người và dẫn dắt lớp trẻ theo con đường cách mạng.
Dạy học ở đây cho đến khoảng năm 1960 thì nhiều cơ sở bị bể và thầy bị bắt giam tại Chí Hòa ngót nghét 3 năm. Như vậy, khoảng 8 năm dạy trường Nhạc Thanh, có khoảng 300 học sinh theo học. Và theo lời thầy kể, hầu hết các học trò của thầy đều tham gia cách mạng, chỉ có một người đi lạc đường.
Sau khi ra tù, thầy về trú ngụ tại đường Bình Thới, quận 11, TPHCM. Tại đây, thầy cùng một người bạn lập trường tư, lấy tên là Chim Xanh, dạy tại trường này cho đến ngày giải phóng và cũng có một số học trò của Chim Xanh thoát ly đi kháng chiến. Với trên 20 năm làm nghề dạy học, từ trường Nhạc Thanh cho đến Chim Xanh, đã có nhiều lớp học sinh theo học, trong đó cũng có một số em nương nhờ nhà thầy và tình nghĩa thầy trò vô cùng sâu đậm. Đến nay, cho dù trường xưa không còn nhưng nhiều học trò nhỏ ngày nào, dù làm gì, ở đâu vẫn luôn giữ đạo thầy trò, liên hệ chặt chẽ với thầy Nhạc và thầy trò hay gặp nhau vào dịp 20-11 hoặc ngày mùng 3 Tết.
Nhìn lại quãng đời đã qua, thầy cho rằng mỗi người có số phần riêng. Bản thân thầy cũng là một người may mắn, hạnh phúc. Cũng bị bắt, tù đày, bị đánh chụp mấy lần ở vùng đất thép Củ Chi nhưng thoát được trong gang tấc và dù trong hoàn cảnh nào thầy vẫn luôn theo đuổi lý tưởng, vẫn gắn bó với cách mạng. Sau ngày miền Nam được giải phóng, thầy làm việc một thời gian ở ngành tài chính theo lời mời của thầy Huỳnh Văn Cang, rồi nghỉ hưu. Năm 2010, thầy ra Hà Nội thăm lăng Bác Hồ kính yêu, được đi Hạ Long, Ninh Bình và nhiều nơi ở miền Bắc cùng với bà xã, cũng thấy rất mãn nguyện.
Bây giờ, mỗi ngày, thầy đều theo dõi tin tức qua báo đài. Có máy tính bảng cũng lên mạng xem thêm thông tin và tìm hiểu được nhiều cái hay. Nhưng theo thầy, cũng có nhiều thông tin bị nhiễu, bị xuyên tạc mà khi xem phải biết chắt lọc. Thầy bảo, vái trời cho khỏe mạnh để vào dịp này năm sau lại được gặp các trò nhỏ thân thương, cùng ăn cơm, cùng nói với nhau mọi thứ trên đời… Với thầy, đó là niềm vui, giản dị và đầm ấm.
Nói là chỉ cần giữ cho người khỏe mạnh thôi nhưng sao vẫn canh cánh bên lòng việc lớn lao của đất nước. Thầy còn nhắc lại câu chuyện, có lần trao đổi với anh Triết (khi còn đương chức Chủ tịch nước): Ngày trước chú học giỏi về toán, bây giờ bài toán khó đang để trên bàn của chú là phòng chống tham nhũng, chú góp phần làm sao để giải cho được. Cho đến nay, bài toán ấy đã có cách giải nhưng vẫn đòi hỏi sự kiên quyết, tập trung và mạnh mẽ.
Vẫn ngôi nhà bình dị trên nền đất cũ, nơi cách sông Sài Gòn, cách bến đò Cá Lăng, Cây Me không xa, thầy giáo Lâm Bá Nhạc như một nhân chứng lịch sử. Quê hương Củ Chi đất thép một thời bị chà xát thành một vùng đất trắng giờ lại xanh tươi. Người vợ hiền không còn nữa, thầy sống với người con trai út và bà con chòm xóm. Cuộc sống đạm bạc nhưng vẫn rất vui bởi các học trò thường xuyên tới lui. Thầy như biết tất cả chuyện thời cuộc và muốn gửi gắm biết bao điều tin cậy cho thế hệ tiếp nối.
Chia tay thầy mà trong tâm trí chúng tôi in đậm hình ảnh một nhà giáo thanh cao, bình dị, không học hàm, học vị cao siêu, không nói nhiều điều răn dạy, nhưng vẫn toát lên sự minh triết, đậm chất người - một con người mà trong cuốn lưu bút, các học trò đều ghi: Mãi nhớ ơn và nguyện phấn đấu để xứng đáng.