5 giờ sáng, trong màn sương núi rừng Trà Bồng, thầy giáo Trần Thanh Hà dắt xe ra khỏi nhà, chở theo một bao đầy quần áo, bên sườn xe máy còn treo thêm mấy trái đu đủ, bí đao, thịt heo… Vai mang ba lô đủ các loại sách, vở, đồ dùng dạy học để đến trường.
Thôn Tang nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, phía dưới chân núi Cà Đam. Từ UBND xã Trà Bùi lên tới điểm trường thôn Tang có một đoạn đường đất đá với độ dốc lớn. Chiếc xe máy của thầy Hà ì ạch vượt qua đoạn bùn lầy, rồi băng qua những tảng đá lớn nhỏ lởm chởm trên đường như một “chiến mã”.
Ông Hồ Văn Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Bùi, cho biết: “Đoạn đường đất đá nối dài từ trung tâm xã Trà Bùi qua thôn Tang lên thôn Quế khoảng 12km, trong đó đoạn qua thôn Tang có khoảng 68 hộ sinh sống. Do không có đường nên cuộc sống người dân thôn Tang rất khó khăn, các điểm trường thôn Tang và thôn Quế thiếu thốn đủ thứ”.
Điểm trường thôn Tang có 2 phòng học, lớp 1 ghép với lớp 2 và lớp 3 ghép lớp 4 do thầy Hà và thầy Thành làm giáo viên chủ nhiệm. Trong căn phòng lớp 1 ghép lớp 2, một chiếc bảng đen được đặt đầu lớp, chiếc còn lại treo ở cuối lớp để phân chia lớp học, tiếng đọc bài vang vọng, học sinh lớp 1 vẫn đang tập đọc “ruộng bậc thang ở Sa Pa” thì lớp 2 đang đọc bài “Hồ Gươm”. Phòng học kế bên, những đứa học trò lớp 3 và 4 đang học tiếng Anh.
Lớp học thường có vài đứa trẻ vắng học để theo cha mẹ lên rẫy. Thầy Hà cho biết: “Mỗi xóm nhà ở thôn Tang cách nhau rất xa, có em ở cách trường 4-5km. Người dân ở thôn này mỗi lần đi rẫy thường ở lại chòi trên núi vài ngày mới về nhà, do vậy họ thường đem theo con cái. Có lúc, thầy đến lớp rồi mà trò còn chưa tới, nhất là vào mùa mưa”.
Để các em ở lại học tại điểm trường thôn Tang, thầy Hà phải “níu giữ” các em bằng những bữa cơm. Thầy nói: “Ban đầu, tôi mua bún, lấy gạo, rau củ quả ở nhà để mang lên nấu bữa sáng cho các em để các em tới trường ăn sáng và ở lại học. Sau đó, tôi thấy buổi sáng vẫn không đủ, tôi quyết định nấu thêm bữa trưa cho các em ở lại học đến chiều.
Cứ cuối tuần, thầy Hà về nhà ở xã Trà Bình (huyện Trà Bồng) mua thực phẩm. Lâu dần, hàng xóm xung quanh biết chuyện nên đã nhiều người mang đến cho thầy chút “cây nhà lá vườn”, có người bán ruốc, bán cá cũng mang đến cho thầy để phụ bữa ăn cho các em. “Thầy ăn gì thì học trò ăn nấy, mùa nắng thì chở trên xe máy đến trường, mùa mưa thì tôi để xe ở cuối đường nhựa rồi đi bộ lên điểm trường”, thầy nói.
Có lần, đoàn từ thiện đi ngang qua, thấy điểm trường thôn Tang nên ghé vào thăm thì thấy thầy Hà đang xuống bếp nấu ăn cho học sinh nên đã xin thầy chụp vài tấm ảnh đưa lên Facbook kêu gọi từ thiện. Thầy cho biết: “Từ đó, có đoàn từ thiện cho điểm trường được 1 triệu, 2 triệu… để phụ bữa cơm cho học sinh”. Thỉnh thoảng, thầy Hà cũng quyên góp được mì, hạt nêm, nước mắm… cho người già neo đơn tại thôn Tang.
Em Hồ Thị My (lớp 1) mồ côi cha, mẹ bị câm, phải ở với bà ngoại, nhờ có thầy Hà đến tận nhà vận động mà em đã đến trường học chữ, lại có cơm ăn, áo mặc.
Thầy Hà cũng nhờ kết nối, kêu gọi mà xin được cho điểm trường thôn Tang cái bồn nước, ti vi, nồi cơm điện, rồi thỉnh thoảng có người cho được quần áo mới để học sinh mặc. Thầy nói: “Ở trường không có nước nên kể từ khi có cái bồn nước, thầy xin nối thêm đoạn ống dẫn nước từ nhà dân lên đến trường để nấu nướng, vệ sinh”.
Đầu năm 2024, nhà công vụ được hoàn thành đưa vào sử dụng do thầy Hà kêu gọi nhờ kết nối được với mạnh thường quân ở TPHCM. Nhờ đó mà thầy Hà và các thầy bộ môn đến dạy học có nơi nghỉ ở lại.
Thầy Hà chia sẻ: “Đoàn từ thiện cho được bao nhiêu thì tôi phụ bữa ăn cho các em, còn lại vẫn là trích tiền lương để mua thức ăn hằng ngày cho các em. Tôi sẽ nấu ăn cho các em, góp quần áo cho các em trong suốt thời gian tôi giảng dạy tại thôn Tang”.
Chị Hồ Thị Chung (thôn Tang) cho biết: “Tôi có 2 con đang học lớp 4 và lớp 2 ở điểm trường thôn Tang. Nhờ có bữa cơm của thầy Hà mà tôi an tâm đi rẫy, không lo con ở nhà không có chỗ ăn uống”.