Đã có nhiều sáng chế phát minh tìm các loại máy lọc nước và bán ra trên thị trường để đáp ứng nhu cầu chống ngộ độc thực phẩm. Những nhà sản xuất loại vật liệu lọc nước thường phải giải bài toán: làm sao loại bỏ được những kim loại nặng và độc tố nguy hiểm cho sức khỏe, mà trong đó “cứng đầu” nhất là amôni (NH4).
Đó cũng là những gì thu hút suy nghĩ và khao khát của anh Đặng Đức Truyền. Điều độc đáo: anh xuất thân là một giảng viên về văn học Nga ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Đã từng đi bộ đội, học tập ở Nga, về làm công tác giảng dạy văn học, nhưng anh Truyền bây giờ rất say mê sáng chế và nghiên cứu khoa học. “Trước đây tôi cũng hướng vào việc sáng chế ra máy lọc nước bằng ozon nhưng không đăng ký bản quyền được vì đã có nơi khác làm rồi. Giá lại đắt. Tôi phải tìm cái khác”. Anh tìm đến loại vật liệu đá ong. Và anh đã thành công: vật liệu lọc nước đặc biệt được đăng ký bằng phát minh sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm được anh đặt tên là Đá ong 1 (D.O1) và Đá ong 2 (D.O2). Nó tốt vì tồn tại ở dạng gốm nên có độ bền cao, lọc được các kim loại nặng và đặc biệt là lọc được amôni (NH4) cứng đầu với hiệu suất khó tin nhất: 97,9%.
Anh đã cho sáng chế của mình đi “thử lửa” lọc nước ở những nơi “ác liệt” nhất, nước bẩn nhất như nước hồ Văn Chương (Hà Nội), nước nhiễm độc tại “làng ung thư” Đông Lỗ (Ứng Hòa – Hà Tây) mà báo chí thường nhắc đến. Sau các kết quả xét nghiệm được phòng xét nghiệm của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, vật liệu lọc nước đã được công nhận. Và ngay lập tức nó gây chú ý. Các công ty môi trường và thương mại của Trung Quốc, Singapore, Nhật đã đề nghị được hợp tác, kinh doanh.
Bao giờ nó có trên thị trường để phục vụ người dân? Đó là câu hỏi luôn đặt ra với các nhà sáng chế. Anh cho biết Công ty Thiết bị và Công nghệ môi trường xanh của anh sẽ đưa vào sản xuất. Khát vọng của ông giáo dạy văn đã có thể phục vụ được xã hội ở một lĩnh vực đang có nhiều thách thức lớn - nước sạch cho cuộc sống. Anh không dừng ở đây, đang lại lao vào tìm tòi, sáng tạo khác. Ông giáo dạy văn giờ đây đã gắn chặt mình với phòng thí nghiệm và các vùng miền của đất nước.
Nguyễn Thị Ngọc Hải