Người thầy của 4 thế hệ
Đang dạy con chữ cho học sinh lớp 2, thầy giáo Lê Viết Minh dùng hình ảnh thân thương, giản dị, dễ viết nhất là “Bác Hồ” cho cả lớp tập viết. Hai chữ ấy, thầy Minh đã dạy hàng trăm học trò của nhiều thế hệ con em người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa. Bên bìa rừng núi Quạt là điểm trường tiểu học bản Cáo. Giờ ra chơi, thầy Minh tâm sự: “Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở mặt trận Vị Xuyên trở về quê hương xã Thanh Thạch, Tuyên Hóa, tôi xung phong đi học trung cấp tiểu học với mong muốn vào xã Lâm Hóa dạy chữ cho con em Mã Liềng”.
Mua gạo để giữ chân học trò
Năm 1992, khi chân ướt chân ráo lên với bản Kè, thầy giáo Minh thấy học trò hay nghỉ học. Tìm hiểu từng dân bản mới biết, cha mẹ các trò vào rừng, con cái đi theo kiếm cái ăn. “Lương lúc đó mỗi tháng nhận 74.000 đồng, học trò hay bỏ học, tôi dùng toàn bộ lương mua gạo và nước mắm dự trữ, nấu cơm mời học trò ăn để cùng học chữ. Đồng lương không đủ, phải vay mượn thêm mua gạo cho học trò không còn vào rừng. Hồi đó chỉ biết làm sao đưa chữ đến cho các trò, có lúc đi làm sơn tràng lấy tiền mua gạo phụ thêm bữa ăn”, thầy Minh nhớ lại.
Anh Hồ Phong, một phụ huynh ở bản Chuối, kể rằng thầy Minh luôn vì học trò Mã Liềng. Năm nay, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hơn một tháng không học tập trung được, thầy Minh đến từng nhà dạy cho học sinh lớp 2 viết chữ. “Thầy tận tình vậy nên dân bản tin và thương. Hồi xưa, mình học với thầy, khổ lắm, thầy ở lại cắm bản, ăn cùng dân, ở cùng dân, mua gạo cho học sinh ăn nên ai cũng gọi là Athay Minh một cách kính trọng”, anh Hồ Phong tâm sự.
Ngày nay, con em người Mã Liềng đi học được Nhà nước đài thọ, cung cấp tiền ăn, nhưng không ít em hoàn cảnh quá khó khăn, thầy giáo Minh lại mua mì, sữa, kẹo bánh tặng bữa sáng cho các cháu. Thầy nói: “Duyên nghiệp với đồng bào từ lúc đang thanh niên, đến khi đi bộ đội ở biên giới Vị Xuyên, những đêm ngủ vẫn nhớ về đồng bào. Khi ra quân, tôi quyết tâm đi học nhằm dành con chữ cho bà con Mã Liềng. Đến nay tóc đã bạc, tuổi gần 60, nhìn lũ trẻ cứ canh cánh trong lòng. Làm sao để các em học bằng cái bụng ấm áp, không lo đói kém như những ngày xưa khó khăn, nên giúp được trò nào tôi cố giúp hết sức. Vì ngó lại, cũng chỉ còn 4 năm nữa nghỉ hưu, xa các em thật thương”.
Cả làng làm đơn “xin lại” thầy giáo
Trong 29 năm làm nghề giáo, có 1 năm học thầy Minh rời người Mã Liềng về xã Thanh Hóa dạy học. Ông Hồ Duy Thiện, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, nhớ lại: “Năm 2001, tôi lên làm việc ở xã Lâm Hóa, người ta kể về thầy Minh rất nhiều trong việc chăm lo dạy học đối với con em người Mã Liềng. Thầy lo cho dân bản vậy mà đến lúc đó 36 tuổi chưa có vợ. Ở quê, lớp người như thầy Minh ai cũng gia thất đủ đầy, từ đó tôi chỉ đạo đưa thầy về xã Thanh Hóa dạy để kiếm vợ. Bà con Mã Liềng lúc đó họp già làng xin thầy ở lại, họ đi bộ xuống huyện gửi nguyện vọng. Chúng tôi giải thích là cho thầy về quê, khi thầy có vợ sẽ đưa thầy lên lại với đồng bào, lúc đó bà con mới lục tục ra về”.
Theo ông Thiện, cứ tưởng sau một năm học, bà con hết nhớ chuyện này vì có những thầy cô mới đến dạy. Vậy nhưng năm 2003, bà con Mã Liềng ở bản Kè, Cáo, Chuối lại họp, viết đơn đề nghị “trả lại” thầy giáo Minh cho đồng bào. “Lúc đó, lãnh đạo huyện đã có quyết định đúng ý nguyện đồng bào, đưa tôi lên lại cắm bản cho đến hôm nay. Giai đoạn đó, tôi cũng nhớ bà con da diết vì đã ăn ở với bà con, nói tiếng Mã Liềng rồi nên không nỡ xa”, thầy Minh cho biết. Bây giờ, thầy dạy ở điểm trường bản Cáo, học trò nghe đến thầy Minh, hay bố mẹ chúng nghe tiếng thầy Minh đều mừng. Trong 4 thế hệ học sinh xã Lâm Hóa được thầy giáo Minh dạy cấp tiểu học, đã có 1 học trò Mã Liềng trưởng thành đi học đại học. Đó là Nguyễn Thế Trường, học Đại học Y Huế, nay làm Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Lâm Hóa.
Bây giờ mái tóc đã bạc, ngồi nhìn lại, gia đình Athay Minh đã có 2 đứa con ngoan hiền. “Con trai lớn học Bách khoa Đà Nẵng, cháu gái đang học cấp 3 ở quê nhà. Vợ tôi là giáo viên, người từng một thời đi bộ cùng tôi vào dạy ở Mã Liềng. Cả hai đến với nhau không chỉ vì tình yêu, mà vợ tôi còn thấu hiểu vì sao tôi trụ lại được với bà con Mã Liềng lâu như thế. Bởi vì đó như máu thịt của cả cuộc đời cầm phấn của tôi và vợ. Nếu chọn lại, tôi vẫn đến với con em Mã Liềng tôi thương”, thầy Minh tâm sự.
Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, đánh giá, thầy Minh là một tấm gương hy sinh vì đồng bào dân tộc thiểu số Mã Liềng. Thầy đã đưa con chữ đến cả ba bản Kè, Cáo, Chuối cho 4 thế hệ đồng bào. Vậy nên ở vùng rẻo cao này, nhắc đến tên thầy, ai cũng quý trọng.