Nội dung |
Nỗi lo sợ càng hiện hữu khi nhiều sự cố liên quan đến an toàn hàng không liên tục xảy ra gần đây.
Ngày 20-11, đại diện hãng hàng không Vietjet đã lên tiếng về sự việc này để trấn an hành khách. Theo Vietjet, sau khi phát hiện có cảnh báo kỹ thuật, cơ trưởng chuyến bay đã quyết định cho máy bay quay lại sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra. Phi hành đoàn và đội ngũ tiếp viên đã hướng dẫn hành khách ứng phó tình huống khẩn cấp để hạn chế thiệt hại trong suốt quá trình quay đầu và hạ cánh.
Rất may, máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20 giờ 06. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia đã xác định cảnh báo kỹ thuật là giả, máy bay đã trở lại khai thác bình thường. Tất cả hành khách trên chuyến bay đã được bố trí lên một chuyến bay khác để tiếp tục hành trình.
Trước đó, ngày 30-10 chuyến bay VJ982 của Vietjet Air có hành trình từ Hà Nội đi Busan (Hàn Quốc) phải hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Hồng Công.
Nguyên nhân được hãng đưa ra cũng là “cảnh báo giả”. Tình huống tương tự cũng từng xảy ra đối với các hãng hàng không khác khiến nhiều hành khách phải thót tim sợ hãi.
Theo các chuyên gia hàng không, có nhiều tình huống dẫn đến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp như: lỗi kỹ thuật, thời tiết xấu, cấp cứu hay có tội phạm, khủng bố. Riêng đối với lỗi kỹ thuật, các các máy bay hiện đại đều có hệ thống báo động để hỗ trợ phi công.
Thế nhưng, trong các sự cố liên quan đến hệ thống báo động thì chỉ có 58% là báo động chính xác, 28% là báo động giả, còn lại là các trường hợp khác.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, theo quy định, khi phát hiện cảnh báo kỹ thuật, tổ bay sẽ ngay lập tức phải xin hạ cánh xuống sân bay dự bị để kiểm tra. Các kiểm soát viên không lưu của sân bay được xin hạ cánh sẽ điều phối để ưu tiên hạ cánh với những trường hợp khẩn cấp.
Đồng thời, các đơn vị mặt đất sẽ có phương án tiếp nhận đề phòng các tình huống xấu, ví dụ như phương tiện cứu hỏa, cứu thương. Việc hạ cánh có được an toàn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng của máy bay, môi trường hạ cánh, tuy nhiên kỹ năng và kinh nghiệm của phi công là rất quan trọng.
Cục HKVN cũng khuyến cáo, trong trường hợp này, hành khách cũng cần bình tĩnh, làm theo hướng dẫn của đội ngũ tiếp viên để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, trong tháng 10 vừa qua, tại sân bay Tân Sơn Nhất đã xảy ra 40 vụ việc liên quan vấn đề an ninh, an toàn hàng không. Thống kê từ Cục HKVN cũng cho thấy, sự cố hàng không tăng khoảng 17% so cùng kỳ năm 2017.
Trước lo ngại về sự cố liên quan đến an toàn hàng không tăng, Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng khẳng định, HKVN không chạy theo tăng trưởng mà lơ là công tác đảm bảo an toàn.
Hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn đối với các hãng hàng không, kiểm soát không lưu và các đơn vị liên quan đều tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong tài liệu khai thác và biện pháp tổ chức thi công được phê chuẩn.