Đối với Nhật Bản, đây là sự thay đổi đáng kể trong hình thức làm việc, bởi nước này nổi tiếng là có văn hóa “làm việc quần quật” với giờ làm việc kéo dài suốt từ sáng đến tối.
Chuyển sang hình thức làm việc hiệu quả với thời gian linh hoạt cũng chính là mục tiêu mà chính phủ đã cố gắng thúc đẩy trong nhiều năm qua để cải cách văn hóa làm việc của đất nước cũng như giải quyết các vấn nạn liên quan đến áp lực công việc.
Chia sẻ về công việc hiện tại, chị Mariko Oya, 37 tuổi, mẹ của 2 cậu con trai lên 2 và 4 tuổi, cho biết thoạt đầu, hình thức làm việc linh hoạt này có chút bất tiện, nhưng đối với những người như chị, vừa làm việc, vừa chăm con, thì làm việc ở nhà là sự lựa chọn tốt.
Chị Oya đã trở lại làm việc trong mùa xuân này vào lúc dịch đang bùng phát, sau 1 năm rưỡi nghỉ sanh con thứ hai. Trước đây, mỗi ngày, chị sẽ mất tổng cộng 2 giờ đồng hồ đi tàu để tới nơi làm việc. Tuy nhiên, hiện nay, chị làm phần lớn công việc ở nhà theo hình thức trực tuyến.
Chị Oya làm việc trong nhóm tiếp thị cho thương hiệu “Gogo no Kocha” của hãng đồ uống Kirin Holdings Co Ltd. Nhóm này chuyên nghiên cứu thị trường và đề xuất chiến lược để làm tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm của công ty. Làm việc ở nhà đã giúp chị tự do lựa chọn giờ làm việc, vừa có thể tham gia vào công việc, nhưng vẫn có thời gian dành cho gia đình, giúp chị cân bằng tinh thần.
Theo nhà kinh tế Takuya Hoshino của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, làm việc ở nhà chắc chắn sẽ trở thành giải pháp ứng phó tốt nếu dịch vẫn tiếp tục. Hiện danh sách các công ty thích nghi với hình thức làm việc mới đang mở rộng. Ví dụ như hãng Hitachi Ltd. có kế hoạch lấy làm việc tại nhà là tiêu chuẩn từ tháng 4-2021 và bãi bỏ việc sử dụng con dấu (Hanko) trong các tài liệu nội bộ vào tháng 3-2022.
Trong khi đó, hãng Fujitsu Ltd. đang đặt mục tiêu giảm một nửa diện tích văn phòng vào tháng 3-2023 khi ngày càng có nhiều nhân viên của hãng làm việc ở nhà
Bên cạnh việc khuyến khích hình thức làm việc linh hoạt trong thời dịch, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sửa đổi kế hoạch tổng thể phát triển địa phương có tên gọi “Đổi mới thành phố con người và công việc”, dự kiến triển khai trong 5 năm, với các chính sách khuyến khích đổi mới hình thức làm việc và bảo đảm nguồn lao động.
Cụ thể, kể từ năm 2021, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thúc đẩy hình thức làm việc trực tuyến. Để đào tạo nguồn nhân lực, chính phủ cũng xem xét tăng thêm biên chế cho các trường đại học công lập địa phương kể từ năm 2022, đồng thời điều động nguồn nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực kỹ thuật số về làm việc tại các địa phương.
Nước này kỳ vọng chính sách hỗ trợ phát triển hình thức làm việc trên sẽ góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm mật độ tập trung quá đông tại các thành phố, nhất là khu vực thủ đô Tokyo, dịch chuyển dần cơ cấu dân số về địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.