Dự thảo báo cáo giám sát sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp tháng 4. Còn trong sáng qua 2-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì hội nghị toàn quốc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Điều đó cho thấy, vấn đề quy hoạch vào thời điểm này là vấn đề rất “nóng hổi”, nhận được sự quan tâm cũng như trăn trở của cả Quốc hội và Chính phủ. Điểm chung dễ nhận thấy là tất cả quy hoạch đều… chậm tiến độ.
Theo đó, trong các quy hoạch cấp quốc gia (gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia) mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Trong khi đó, chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt (chỉ có quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được Hội đồng thẩm định thông qua). Với quy hoạch cấp tỉnh, tuy tiến độ cụ thể có khác nhau, song 63 địa phương đều chậm 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Luật Quy hoạch.
Tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH kết thúc cách đây hơn nửa tháng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chất vấn gay gắt: “Quy hoạch chậm vì đâu? Trách nhiệm của ai”? Phần nguyên nhân dường như ở bộ, ngành, địa phương nào cũng nhìn thấy. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong quá trình bộ tổ chức thực hiện 5 quy hoạch ngành quốc gia được giao đã xuất hiện sự “cập kênh” giữa các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành, chưa đồng bộ, thống nhất với tinh thần đổi mới của Luật Quy hoạch và không phù hợp với nguyên tắc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có chứa nội dung liên quan đến quy hoạch. Chẳng hạn, các quy định về đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành trước khi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công có hiệu lực, do vậy, chưa có sự đồng bộ giữa quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư công và quy hoạch.
Đặc biệt, việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn cho tiếp cận thông tin quy hoạch; thiếu vắng sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với từng chủ thể liên quan; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu… Do đó, rất khó bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng cho biết, bộ được giao lập 4 quy hoạch ngành quốc gia, nhưng đến thời điểm này, tất cả đều chậm tiến độ. Từng “nếm trải” những vấn đề chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm cũ khi còn là lãnh đạo địa phương, nên Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt nhiều kỳ vọng vào các quy hoạch tích hợp được xây dựng theo tinh thần của Luật Quy hoạch. Tuy vậy, hiện nay, vẫn chưa có sự tiếp cận đồng bộ về triết lý, phương pháp luận trong lập quy hoạch tích hợp và “đây là nguồn cơn của mọi nguồn cơn trong sự lúng túng, chậm trễ”.
Ở góc độ người làm quy hoạch, nếu giữ tư duy quản lý thông qua các quy hoạch được lập theo phương pháp cũ, đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, không có sự liên kết giữa các ngành, địa phương, vùng; còn người thẩm định, phê duyệt quy hoạch thiếu các điều kiện, thời gian để xem xét thấu đáo vấn đề cho vài chục năm tới… thì rất khó để Luật Quy hoạch “thấm sâu” vào cuộc sống.