Tập trung ngành hàng xuất khẩu tỷ đô
ĐBSCL hiện có 4 dòng sản phẩm chiếm phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp, đó là lúa, tôm, cá tra và trái cây. Hàng triệu nông dân trong vùng đang canh tác hơn 3 triệu hécta 4 mặt hàng nông sản chủ lực này. Đây là 4 ngành hàng có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Thực tế, 4 chuỗi ngành hàng này đã và đang xây dựng được chuỗi sản xuất lớn; nông dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất gắn với yêu cầu về các tiêu chuẩn của doanh nghiệp đặt ra. Các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh xuất hiện nhiều hơn trên đồng lúa, ao tôm công nghệ cao, vùng trồng cây ăn trái đạt tiêu chuẩn Global GAP… và các nông sản này đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ tôm, cá tra, trái cây mà gần đây hàng loạt doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long… đã nỗ lực liên kết đặt hàng gắn bao tiêu với nông dân trồng lúa. Cơ giới hóa được xem là khâu then chốt để hoàn thiện chuỗi sản xuất lúa gạo của ĐBSCL.
Tại An Giang, Đồng Tháp đang nổi lên mô hình trồng lúa “không dấu chân” - một cách diễn đạt về các mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sấy… đều do máy móc đảm nhận. Hiện Kiên Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất ĐBSCL (trên 4 triệu tấn lúa/năm). Trong đó, chỉ riêng huyện Hòn Đất có 80.000ha sản xuất lúa (lớn hơn diện tích trồng lúa của tỉnh Hậu Giang). Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, qua rà soát, trong 6 khâu sản xuất lúa đều đã cơ giới hóa 80%-97%, tuy nhiên trên thực tế chi phí vẫn chưa giảm, hiệu quả thu được của nông dân chưa cao. Ngành nông nghiệp Kiên Giang tập trung đầu tư mô hình điểm trên 1.000ha đất trồng lúa tại huyện Hòn Đất gắn với tiêu chuẩn Global GAP, sản xuất hữu cơ… đồng bộ hóa các khâu cơ giới hóa. Theo ông Lê Hữu Toàn, hiện Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã đầu tư gắn với bao tiêu lúa của nông dân trên 4.000ha, sắp tới nâng lên 6.000ha.
Theo TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, lợi thế vùng ĐBSCL là nông nghiệp. Câu chuyện giúp nông dân hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng gắn với doanh nghiệp tiêu thụ đang có xu hướng tốt, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Cái chính là chúng ta phải đầu tư căn cơ cho ngành chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.
“Tôi nói vì sao cánh đồng lớn mà chưa lớn. Cánh đồng lớn nhưng tư duy manh mún thì vẫn nhỏ lẻ, chỉ lớn về diện tích thôi. Mỗi ông sản xuất một loại giống, một cái ô bao vài trăm hécta thì có 9-10 giống trong đó. Vậy làm sao tạo dựng thương hiệu được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ. |
Mới đây, trong chuyến thăm một HTX sản xuất lúa ở Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận một thực tế: các thành viên không mua phân bón ở HTX vì HTX không có bán. Còn Giám đốc HTX cho rằng, HTX có mua về thì nông dân cũng không mua. Đầu vụ thì đại lý “kê toa”, cuối vụ nông dân bán lúa trả tiền… Người đứng đầu ngành nông nghiệp băn khoăn: “Chính sách thì ở phòng lạnh, nông dân ở ngoài đồng. Trong khi nông dân là người gieo hạt giống và thả con cá đầu tiên trên mảnh đất của mình”. Trăn trở về tình trạng sản xuất nhỏ, nông dân vẫn còn “ngăn cách bởi cái bờ mẫu cơm nếp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; nếu xóa được “bờ cơm nếp” sẽ thêm 18% diện tích, việc cơ giới hóa sẽ thuận lợi hơn.
Những ngày cuối tháng 8-2022, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, TP Cần Thơ tổ chức 3 sự kiện: hội thảo Cơ giới hóa trong sản xuất trái cây; Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản; hội thảo Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Tại những hội thảo này, các nhà khoa học trong và ngoài nước, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các tỉnh ĐBSCL đánh giá một cách toàn diện về thế mạnh và những thách thức của chuỗi ngành hàng thủy sản, trái cây và lúa gạo. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: “Các cơ quan trực thuộc bộ, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL phải đi đến cùng câu chuyện cơ giới hóa, không bỏ nửa chừng. Đồng thời, phải tổ chức lại sản xuất - xem đây là khởi đầu cho chặng đường tiếp theo. Tư duy và hành động của các địa phương cũng phải thay đổi, nắm vai trò dẫn dắt, thu hút cơ chế chính sách để kích hoạt nên chuỗi giá trị cho nông sản Việt Nam”.