Nhằm hoàn thiện trình Quốc hội bản Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp tháng 10-2022, báo cáo “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Bộ KH-ĐT công bố, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo đó, việc lập quy hoạch nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững; hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.
Đồng thời tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là “Nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hòa, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn”.
Trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, cơ quan dự thảo đề xuất trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng quy hoạch cho các hành lang kinh tế và vùng động lực, từ đó tạo sức mạnh lan tỏa. Theo nguyên tắc đó, tập trung hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế và một số vùng động lực. Dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam. Trong đó, hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và QL1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây (từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và dải ven biển. Về các vùng động lực, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương.
Nhận định về thực tế này, nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ băn khoăn rằng quy mô các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay vẫn quá lớn, tính liên kết lỏng lẻo, cơ chế đặc thù không rõ nét. Thậm chí, có ý kiến cho rằng hoạt động của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phần nào mang tính “câu lạc bộ”, ít thực chất, kém hiệu quả.
Quả thực, sự gần gũi về địa lý có lẽ chưa đủ để có thể quyết định những cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội cho một “vùng kinh tế trọng điểm” . Và nếu chưa có sự tương thích “vì ta cần nhau”, cũng như chưa đủ nguồn lực để giải quyết các vấn đề phát triển “nội tỉnh” thì cũng chưa đủ động lực để các địa phương trong vùng cùng bắt tay vì mục đích chung để phát huy các lợi thế của vùng. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, cần lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để tập trung hình thành các vùng động lực thực sự làm đầu tàu phát triển… Điều này cũng có nghĩa là phạm vi của các vùng kinh tế trọng điểm có thể sẽ được vẽ lại, rất khác với các vùng kinh tế - xã hội truyền thống. Sự phân bổ nguồn lực xã hội cũng có thể sẽ tập trung vào các vùng được coi là “giàu” hơn, nhưng là để tận dụng tốt nhất tiềm năng và cơ hội phát triển, tạo nhiều của cải vật chất hơn cho xã hội, từ đó hình thành động lực lan tỏa.
Bước tiếp theo là đảm bảo chất lượng quy hoạch. Một trào lưu khá phổ biến hiện nay là thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch. Không thể phủ nhận bề dày kinh nghiệm về phương pháp luận quy hoạch của các nhà tư vấn nước ngoài, nhưng cũng rất cần lưu ý rằng khi và chỉ khi những kinh nghiệm đó được kết hợp nhuần nhuyễn với thực tế sinh động của từng vùng miền, thậm chí phải thể hiện được ý chí, quan điểm phát triển của lãnh đạo từng địa phương, thì mới có được một sản phẩm quy hoạch tốt và có thể triển khai êm thuận.
Nói cách khác, chuyên gia tư vấn nước ngoài cần được hỗ trợ, phối hợp và theo sát bởi đội ngũ chuyên gia trong nước và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bộ ngành, địa phương trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch. Và tất nhiên, các bản quy hoạch cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc, như những đạo luật. Nếu vẫn còn tình trạng điều hành theo ý chí chủ quan, tùy tiện sửa đổi, bổ sung quy hoạch vì sự chi phối của những “nhóm lợi ích” nào đó thì sẽ không bao giờ “đơm hoa kết trái”.