Ở cấp độ xuyên biên giới, hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng tiền tệ quốc gia (đồng nhân dân tệ và đồng ruble) đã được tạo ra và thay thế hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và các thể chế tài chính truyền thống khác do phương Tây chi phối. Hàng hóa thương mại hai chiều Trung Quốc và Nga hiện được thanh toán chủ yếu bằng nhân dân tệ. Moscow từng cố gắng tăng tỷ trọng đồng tiền quốc gia trong thanh toán quốc tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào USD nhưng quá trình này diễn ra chậm.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đẩy nhanh việc chuyển đổi sang nhân dân tệ trong thanh toán xuyên biên giới. Lượng nhân dân tệ được giữ trong các ngân hàng Nga dưới dạng tiền gửi của các công ty và cá nhân vào năm 2023 trị giá 68,7 tỷ USD. Trong khi đó, lượng USD được giữ trong các tài khoản ngân hàng Nga trị giá 64,7 tỷ USD. Sau lệnh trừng phạt đầu tiên từ phương Tây vào năm 2014, Nga đã tạo ra Hệ thống chuyển tin nhắn tài chính (SPFS) tương tự SWIFT để thay thế cho hệ thống thanh toán của phương Tây trên thị trường nội địa.
Thanh toán thông qua SPFS đã làm giảm đáng kể tác động của các biện pháp trừng phạt đối với công dân Nga. Từ năm 2023, việc sử dụng SWIFT ở Nga bị cấm về mặt pháp lý. Thanh toán xuyên biên giới cũng có thể được thực hiện thông qua SPFS. Cuối năm 2023, 557 ngân hàng và công ty đã được kết nối với hệ thống thanh toán này, trong đó có 159 ngân hàng và công ty từ 20 quốc gia. Nga cũng coi việc tạo ra nền tảng thanh toán bằng tiền kỹ thuật số là một trong những chủ đề chính của nhiệm kỳ chủ tịch của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) năm 2024.
Cổng công nghệ thanh toán bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương giữa các quốc gia đã đi vào hoạt động. Có thể nói, cơ sở hạ tầng thanh toán như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề thanh toán của Nga và không gây thiệt hại đáng kể cho đồng USD, nhưng nó làm suy yếu tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây.