Theo đó, câu hỏi nghị luận văn học vẫn duy trì định dạng đề thi như năm học trước là thí sinh lựa chọn một trong hai đề thi. Nếu như năm ngoái, ngữ liệu cả hai đề thi đều theo hướng mở thì năm nay, đề 1 cho một tác phẩm hoặc đoạn trích cụ thể có trong sách giáo khoa, đề 2 thí sinh được tự do lựa chọn tác phẩm muốn phân tích. Quyết định thay đổi được đưa ra sau buổi họp hội đồng bộ môn Ngữ văn cấp THCS và THPT do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, diễn ra trong tuần qua.
Theo nhiều giáo viên Ngữ văn lớp 9, nguyên nhân của việc thay đổi là do năm ngoái, ngữ liệu cả 2 đề thi đều theo hướng mở khiến nhiều học sinh lúng túng trong việc lựa chọn tác phẩm văn học để phân tích. Do đó, kỳ thi tuyển sinh năm nay, các trường đề xuất thu hẹp tính mở, đáp ứng đa dạng năng lực làm bài của thí sinh. Tuy nhiên, thay đổi này khiến một số người lo ngại vì đi ngược lại mục tiêu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh. Hàng chục năm qua, học sinh và giáo viên các trường phổ thông đã quen với việc dạy học và ôn tập theo đề cương, ghi nhớ máy móc kiến thức. Ngữ liệu đề thi theo hướng mở góp phần thay đổi cách học thuộc lòng theo văn mẫu, tạo điều kiện cho thí sinh phát huy suy nghĩ, năng lực cá nhân. Ở giai đoạn đầu đổi mới, nhiều trường học lúng túng trong việc điều chỉnh phương pháp dạy học là điều khó tránh khỏi, song về lâu dài sẽ góp phần giúp chất lượng dạy học đi vào thực chất, không còn cảnh “thi gì, học đó” như hiện nay.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng việc Sở GD-ĐT TPHCM thay đổi cách ra đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay chưa đáp ứng yêu cầu quá trình đổi mới. Điều này vô hình trung tạo thêm sức ỳ cho việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, không phát huy toàn diện năng lực cá nhân của học sinh. Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần thống nhất định hướng ra đề thi với phương pháp dạy học ở các trường phổ thông, kiên định với mục tiêu đổi mới, không nên dao động chọn giải pháp an toàn gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.