Bà Merkel thừa nhận, chính phủ của bà đã thực sự bị Greta Thunberg, nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển, thuyết phục và cần phải hành động nhanh hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu. Trong những tháng gần đây, vào thứ sáu mỗi tuần, hàng ngàn học sinh, sinh viên ở hơn 120 quốc gia trên thế giới lại xuống đường tuần hành, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ hành tinh. Các cuộc tuần hành xuất phát từ ý tưởng của Thunberg, người vào tháng 8-2018 đã phát động một cuộc tuần hành vì khí hậu mang tên “#FridaysForFuture” (Thứ Sáu vì Tương lai) kéo dài một tuần trước tòa nhà Quốc hội nước này.
Biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của dư luận tại Đức, nơi đảng Xanh đối lập đã lớn mạnh đến mức nhận được sự ủng hộ tương đương với những người bảo thủ của Thủ tướng Merkel đầu năm nay. Đặc biệt là kể từ mùa hè nóng như thiêu đốt năm 2018 - khi hạn hán ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp, gây cháy rừng và làm các chuyến tàu thủy phải tạm ngừng hoạt động vì sông cạn nước, làm nhiều cử tri đã thấy rằng sự nóng lên toàn cầu là vấn đề số 1. Bà Merkel cho biết, “các hình thái thời tiết cực đoan” gần đây tại Đức đã làm đảo lộn cuộc sống của con người và “đây là cái giá của việc không hành động hoặc hành động chưa đủ”.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từ lâu đã thúc đẩy năng lượng sạch, như năng lượng Mặt trời và năng lượng gió, trong khi từng bước giảm năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, nước này đã bỏ lỡ các mục tiêu khí hậu năm 2020 của mình. Chính phủ của Thủ tướng Merkel cam kết chấm dứt sử dụng than đá vào năm 2038, thời hạn mà phong trào biểu tình cho là quá xa.