Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS vừa kết thúc với chủ đề xét nghiệm HIV sớm, triển khai các nội dung hoạt động đến năm 2020 đạt các mục tiêu: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus thấp ổn định.
Thực tế cho thấy trong hoàn cảnh của nước ta hiện nay, chúng ta vẫn có thể thực hiện thành công các mục tiêu này nếu huy động được sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Trở ngại đầu tiên là nhiều người trong diện nguy cơ cao nhưng không dám xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng bệnh của mình. Thực tế, một số bệnh nhân được điều trị bằng ARV đã chung sống với HIV trong hơn 20 năm mà vẫn khỏe mạnh.
Do vậy, cần thay đổi nhận thức của cộng đồng rằng HIV/AIDS không phải là một tệ nạn, mà chỉ là một bệnh mãn tính có thể kiểm soát được. Còn nhớ vụ 24 người nghi phơi nhiễm HIV khi cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông tại Kon Tum, nhưng rồi qua kết quả sàng lọc cho thấy tất cả đều âm tính - do nạn nhân tai nạn giao thông đã được điều trị ARV một thời gian dài nên nồng độ HIV trong máu rất thấp, ít có khả năng lây truyền cho người khác.
Cùng với việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của cộng đồng, cũng cần tăng cường chế tài các hành vi phân biệt đối xử kỳ thị người nhiễm HIV, cũng như hỗ trợ pháp lý cho người nhiễm HIV, để họ bảo vệ các quyền chính đáng của mình khi bị xâm phạm.
Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ mới đạt 40%. Trong tình thế nguồn kinh phí (từ viện trợ nước ngoài) hỗ trợ người nhiễm HIV bị cắt giảm, nếu đối tượng này không tham gia BHYT sẽ rất khó khăn cho họ trong việc chi trả tiền thuốc điều trị ARV.
Người nhiễm HIV sợ lộ thông tin cá nhân nên không muốn tham gia BHYT. Một số người nhiễm HIV tuy có thẻ BHYT nhưng lại bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, một số khác lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.
Bản thân người nhiễm HIV phải nhận thức việc cần thiết, lợi ích tham gia BHYT, vì đây là giải pháp hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo nhiễm HIV.
Các quy định về giấy tờ hồ sơ cần phải mã hóa, đảm bảo bảo mật cho người bệnh. Bản thân người bệnh cần phải tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng bị kháng thuốc, vì điều trị HIV là điều trị suốt đời.
Gia đình người nhiễm HIV phải là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh có niềm vui sống. Bản thân người bệnh phải hòa nhập với gia đình, bạn bè, cộng đồng. Việc tránh tái nhiễm thêm HIV cũng rất quan trọng trong mục tiêu kiểm soát được tải lượng virus thấp ổn định.
Áp dụng y học cổ truyền là một xu hướng mới đầy triển vọng trong hỗ trợ điều trị HIV/AIDS. Việt Nam đã nghiên cứu thể nghiệm một số bài thuốc đông y điều trị hỗ trợ HIV/AIDS và phác đồ điều trị hỗ trợ HIV/AIDS theo y học cổ truyền.
Mong rằng trong thời gian sớm nhất Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và ban hành chính thức phác đồ này, làm hành lang pháp lý cho việc điều trị và tránh việc một số người trục lợi từ các bài thuốc hỗ trợ HIV/AIDS chưa được kiểm định.