Kết quả thăm dò dư luận của Cơ quan Môi trường và quản lý năng lượng Pháp (ADEME) mới được công bố cho thấy 81% người dân Pháp hiện ý thức được rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) là do các hoạt động của con người. Số người hoài nghi về tác động của con người đến BĐKH đã giảm từ 49% (năm 2001) xuống còn 18% (năm 2022). Vậy làm thế nào để chống lại BĐKH?
Theo khảo sát của ADEME, chỉ có 11% người Pháp cho rằng việc cách tân công nghệ có thể cứu được môi trường, nhưng có đến 68% khẳng định phải thay đổi lối sống. Trong đó, 78% chấp nhận và mong muốn thay đổi triệt để mô hình kinh tế, để đi đến một xã hội tiêu thụ ít hơn. Điều này ngược lại với mô hình xã hội kích thích tiêu thụ ngày càng nhiều hiện nay, vốn vẫn luôn được xem là động lực cho tiến bộ.
Thay đổi lối sống, hành vi của mỗi cá nhân là rất cần thiết, nhưng động lực chủ yếu cho việc hãm lại đà hâm nóng Trái đất dẫn đến BĐKH phải là giới kinh doanh và chính trị. Vấn đề cốt yếu là thể chế và các giá trị được coi là căn bản với đông đảo dân cư. Nhà xã hội Anais Rocci, chuyên gia về thay đổi hành vi và chuyển đổi sinh thái của ADEME, giải thích tiến trình chuyển đổi sinh thái không chỉ phụ thuộc vào các hành vi cá nhân của mỗi người, mà chủ yếu là vào các động lực mang tính tập thể.
Trên thực tế, xã hội chúng ta hiện nay vẫn đang hướng đến việc thúc đẩy tiêu thụ nhiều hơn hẳn so với nhu cầu thực sự của mình thông qua các hình thức như quảng cáo, khuyến mại, đồ thời trang, các tiến bộ về công nghệ… Các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều kỹ thuật hiện đại, tinh vi hơn, để kích thích người mua hàng…
Phải thay đổi về mô hình sản xuất và tiêu thụ, sao cho không để mục tiêu tăng trưởng về số lượng tiếp tục là chuẩn mực chung. Cùng với đó là sự thay đổi trong quan niệm xã hội: không còn coi khát khao tiêu thụ là điều cho phép trở thành một con người bình thường trong xã hội, ví dụ như quan niệm “kiểu gì cũng phải có được điện thoại smartphone đời mới nhất như tất cả mọi người”…