Nâng cao vị thế môn tiếng Anh
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm trước đây, hai môn Toán và Ngữ văn được tính hệ số 2, tiếng Anh hệ số 1. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2021-2022, môn tiếng Anh sẽ được thay đổi hệ số, cách tính điểm ngang bằng với hai môn Toán và Ngữ văn.
Giải thích thay đổi này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, dạy và học ngoại ngữ đang ngày càng có chỗ đứng quan trọng trong giáo dục phổ thông. Cả nước đang thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, riêng TPHCM cũng có nhiều đề án, chính sách phát triển môn học này hướng đến mục tiêu học sinh đạt trình độ chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện tiếp cận chương trình giáo dục các nước.
Bên cạnh đó, hiện nay Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học (có hiệu lực thi hành từ tháng 10-2020) đề cao vai trò môn ngoại ngữ khi kết quả môn học này cùng với hai môn Ngữ văn, Toán là một trong các tiêu chí quan trọng xếp loại học lực học sinh. Từ những cơ sở đó, việc điều chỉnh hệ số môn ngoại ngữ tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 theo hướng ba môn ngang bằng nhau là định hướng phù hợp.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết, dù hệ số các môn thi được điều chỉnh nhưng nội dung, cấu trúc đề thi các môn vẫn giữ ổn định. Nội dung thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9, câu hỏi không chú trọng kiểm tra lý thuyết đơn thuần mà nhằm vào việc đánh giá năng lực, kỹ năng vận dụng và giải quyết vấn đề trong thực tiễn của học sinh.
Nhận định về thay đổi trên, cô Bùi Thị Trà My, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh mạng lưới quận 1 cho rằng, nội dung và cấu trúc đề thi môn tiếng Anh không thay đổi nên kế hoạch dạy học và ôn tập cho học sinh sẽ không xáo trộn nhiều. “Thời gian làm bài môn tiếng Anh được thay đổi từ 60 lên 90 phút, trong khi số lượng câu hỏi tăng thêm là 4 câu sẽ giúp học sinh có thêm nhiều thời gian, thuận lợi hơn khi làm bài”, cô My phân tích.
Ở góc độ khác, theo cô Trương Thị Thanh Phương, giáo viên tiếng Anh khối 9, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), môn tiếng Anh có sự liên tục về mạch kiến thức. Đơn cử, kiến thức lớp 9 vẫn sử dụng nhiều từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp học sinh đã học từ lớp 6, 7, 8. Từ đây đến khi diễn ra kỳ thi chỉ còn hơn 2 tháng, nên sẽ không thay đổi quá nhiều phương pháp dạy và kết quả học tập của học sinh. Vì vậy, phụ huynh và học sinh không nên lo lắng. Nhiều năm trở lại đây, TPHCM tuyển sinh lớp 10 theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp nên vẫn tạo cơ hội đồng đều cho tất cả học sinh.
Chọn nguyện vọng theo năng lực thực tế
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết, nhà trường đã lồng ghép việc ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh ngay từ đầu năm học.
Cụ thể, giáo viên kết hợp dạy kiến thức mới và ôn tập, tổ chức cho học sinh luyện tập các dạng bài tập liên quan đề thi tuyển sinh lớp 10. Sau khi học sinh hoàn thành bài thi đánh giá cuối học kỳ 2, thời khóa biểu cho học sinh khối 9 sẽ thay đổi theo hướng tăng số tiết 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh để củng cố kiến thức cho học sinh.
Cũng theo lãnh đạo Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, việc điều chỉnh hệ số 3 môn thi sẽ ảnh hưởng quá trình tư vấn chọn nguyện vọng của giáo viên. Nếu như các năm trước, giáo viên có thói quen lấy điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường THPT trong vòng 2-3 năm trước đó, kết hợp với kết quả học tập thực tế của học sinh làm cơ sở tư vấn nguyện vọng cho học sinh thì năm nay không còn cơ sở điểm chuẩn. Do đó, phụ huynh và học sinh nên có sự cân nhắc, căn cứ vào kết quả học tập thực tế để chọn nguyện vọng.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), nêu thực tế, nhiều năm qua đã có tình trạng học sinh trúng tuyển nguyện vọng lớp 10 nhưng khi vào học tỏ ra đuối sức, không theo nổi chương trình. Nhà giáo này phân tích, dạy học là quá trình “mưa dầm thấm đất” chứ không phải ôn thi theo thời vụ; chọn nguyện vọng phải dựa trên năng lực thực tế của học sinh chứ không dựa trên kết quả của một kỳ thi ít nhiều mang tính may rủi.
Cô Phạm Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Toán - Tin, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết, trước đây một số học sinh có tâm lý sử dụng kết quả môn Toán và Ngữ văn để “kéo điểm” môn tiếng Anh do hai môn này được tính hệ số 2. Tuy nhiên, với thay đổi về mặt hệ số, học sinh không còn mang tư tưởng “môn chính”, “môn phụ” mà phải có sự chuẩn bị đồng đều cho cả 3 môn thi.
Trong khi đó, theo phó hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Củ Chi, mặt bằng chung kết quả dạy học môn tiếng Anh ở các huyện ngoại thành còn khoảng cách so với các trường ở quận nội thành do ít có điều kiện học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, phụ huynh chưa quan tâm, đầu tư đúng mức. Vì vậy, việc thay đổi hệ số môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ khiến học sinh cân nhắc kỹ hơn khi chọn nguyện vọng vào các trường THPT tốp đầu và tốp giữa.
Hàng năm, TPHCM có khoảng 80.000 học sinh tốt nghiệp THCS, đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Trong đó, khoảng 70% thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng vào các trường công lập, 30% còn lại sẽ học tại các trường THPT dân lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề. |