Để từng bước hiện thực hóa những kỳ vọng lớn lao này, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đã đưa ra những giải pháp quy hoạch cụ thể để xây dựng - phát triển thành phố Đà Nẵng với tầm nhìn đến năm 2045 “trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững” đảm bảo thực tế, khả thi, hiệu quả; đặc biệt là trong giai đoạn cả thế giới nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Năm 2019, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, “đáng sống” với hạ tầng kinh tế - xã hội đa dạng, tiện ích; diện mạo đô thị thay đổi ngoạn mục, hiện đại. Tuy nhiên, với những chuyển biến trong giai đoạn mới, tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW nhằm thay đổi định hướng chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng đặt trong tổng thể cả nước và xác định tầm nhìn đến năm 2045: “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”. |
Có thể nhận thấy rằng những định hướng phát triển mới thể hiện rõ nét kỳ vọng của Đảng và Chính quyền vào tiềm năng, vai trò, vị trí và bứt phá của Đà Nẵng trong giai đoạn sắp đến là rất lớn.
Tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã được định hướng phát triển theo một khung thiết kế đô thị tổng thể, và hình ảnh Đô thị lớn thể hiện rõ qua phương pháp tổ chức không gian mới, thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị: từ một đô thị cấu trúc đơn tâm với trung tâm tại Hải Châu – Thanh Khê, đô thị Đà Nẵng được điều chỉnh thành phát triển đa cực, đa trung tâm với chín cửa ngõ chính cùng các cữa ngõ đầu mối giao thông tại Cảng hàng không quốc tế, Cảng du lịch quốc tế (Tiên Sa), … xây dựng các trục đô thị, tuyến cảnh quan cây xanh - mặt nước dọc theo sông - biển về các hướng Bắc Nam – Đông Tây để mở rộng và phát huy tối đa tiềm năng của khu vực phía Tây Bắc thành phố.
Đồng thời, phương án điều chỉnh quy hoạch chung cũng nhấn mạnh đề xuất Chiến lược phát triển đô thị thông minh, với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên gắn kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng-dịch vụ đô thị. Với mô hình quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông và các công nghệ khác trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị dựa trên dữ liệu và công nghệ số để hỗ trợ quy trình ra quyết định, nâng cao hiệu quả các hoạt động - dịch vụ đô thị, tăng năng lực cạnh tranh và chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.
Xu hướng thế giới
Hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 với những tác động chưa từng có tiền lệ lên thực trạng kinh tế - xã hội của toàn thế giới, khiến nhận thức, thái độ và ứng xử của chúng ta đối với thế giới quan xung quanh một lần nữa cần được nhìn nhận lại và đứng trước đòi hỏi cần phải thay đổi để thích nghi.
Để xây dựng một thành phố có khả năng ứng biến và chống chịu trước những biến đổi toàn cầu, cần có những thay đổi thiết yếu nhằm tạo dựng một đô thị bền vững, không chỉ về tổ chức không gian, cơ sở vật chất, dịch vụ đô thị mà cả về an sinh xã hội.
Trên thế giới, xu hướng biến đổi trong các khu dân cư đô thị ngày một rõ nét, mô hình “thành phố 15 phút” là xu hướng với viễn cảnh xây dựng khu dân cư nhỏ gọn, đầy đủ tiện nghi.
Giáo sư Carlos Moreno của trường đại học Sorbonne (Pháp) năm 2016 lần đầu tiên đề xuất mô hình phát triển “Thành phố 15 phút” - nơi mọi nhu cầu thiết yếu của con người như làm việc, học tập, mua sắm, giải trí, khám chữa bệnh… được giải quyết chỉ trong bán kính tương đương 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp (Ý tưởng “Thành phố 15 phút” vừa được nhận giải thưởng kiến trúc Obel năm 2021 nhằm ghi nhận giải pháp phát triển đô thị bền vững trong tương lai với điều kiện sống thuận tiện nhất cho người dân).
Đây là mô hình từng được xem là kế hoạch không tưởng nhưng dần trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị trên thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã giảm nhu cầu đi lại và tiếp xúc trực tiếp nhờ các mạng xã hội và mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, mô hình giúp các khu dân cư chống chọi tốt hơn với đại dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc.
Thực tế đô thị luôn thay đổi và cần có những nhìn nhận, đánh giá sát với tình hình thực tế. Như trong thời gian giãn cách triệt để vừa qua, vai trò của cộng đồng, của tổ dân phố trở nên vô cùng quan trọng. Hình ảnh “Bác tổ trưởng dân phố” là dấu ấn đậm nét của các khu dân cư. Vì vậy, cần phải nhìn nhận việc phát triển đô thị từ định hướng phát triển chung cho đến các nội hàm như việc “thích ứng” của các cộng đồng dân cư đều rất quan trọng cho công cuộc phát triển thành phố.
Cần những mô hình thí điểm
Mặc dù đô thị Đà Nẵng những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn chất, tuy nhiên các khu vực hạ tầng kém vẫn còn khá phổ biến. Dễ nhận thấy, đó là các khu vực đô thị cũ, phát triển tự phát dẫn đến những hệ quả không mong muốn, đó là mật độ xây dựng cao, tiếp cận giao thông kém, thoát nước khó khăn, thiếu các thiết chế văn hóa xã hội…
Nhìn từ góc độ đô thị học, các khu vực này chính là những điểm tối, cơ hội phát triển thấp trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa tinh thần và an ninh, an toàn xã hội. Vấn đề cần được quan tâm là khi các khu vực đô thị mới ngày càng phát triển thì các điểm tối này ngày càng tụt hậu.
Thực tế này cần được nhận thức một cách phổ biến và đồng bộ trong mọi cấp quản lý đô thị từ thành phố đến quận, phường, các sở ngành và các tổ chức xã hội. Cần có sự cân bằng giữa phát triển các khu đô thị mới với việc cải tạo, nâng cấp các khu đô thị cũ.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng vừa qua, các khu vực đô thị cũ này với mật độ xây dựng cao, nhiều kiệt sâu, ngõ nhỏ đã trở thành các điểm nóng, là trung tâm bùng phát, lây lan dịch bệnh. Đồng thời, ngay cả khi chưa ghi nhận dịch bệnh, các khu vực này cũng trở thành các “lồng giam” do thiếu các không gian mở, dịch vụ công cộng cho đơn vị ở. Đây là minh chứng rõ nét cho nhu cầu bức thiết của việc tái thiết đô thị tại khu vực trung tâm thành phố theo hướng tái cơ cấu quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển đô thị nén gắn liền với nâng cấp hạ tầng đô thị đồng bộ, tạo không gian mở, cải thiện điều kiện sống các khu dân cư đã xuống cấp, nâng cao cảnh quan đô thị. |
Nhìn nhận rộng hơn với tầm nhìn lâu dài của thành phố, định hướng phát triển bền vững cần xem xét đến những biến đổi về quan điểm của người dân về nơi sinh sống sau đại dịch. Trong những ngày tháng dịch bệnh căng thẳng, tình trạng mất việc làm, thiếu sự tự do (do việc phong tỏa) cũng như mối lo về cung ứng lương thực – thực phẩm, nhận thức về “nơi ở” được thay đổi khá nhiều. “Nơi đáng sống” đang dần dịch chuyển về các khu vực an toàn hơn, xa trung tâm thành phố hơn để có thể tận hưởng cuộc sống yên bình, không bị tác động nhiều bởi trung tâm đô thị sầm uất.
Phát triển đô thị là một công cuộc lâu dài, không ngừng nghỉ. Mỗi giai đoạn cần xác định các mục tiêu trọng tâm, các dự án trọng điểm. Sau một quãng thời gian gần một phần tư thế kỷ phát triển nóng, đây chính là thời điểm để đô thị Đà Nẵng xác định một quỹ đạo mới cho tiến trình phát triển tiếp theo. Đây chính thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cần được nắm bắt một cách sáng suốt và kịp thời. |