Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới hơn 70% năm 2018. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng gạo, cao su, trái cây, cá tra… của Việt Nam. Thế nhưng, hầu hết các hoạt động xuất khẩu này trước đây đều theo đường tiểu ngạch, với rất nhiều rủi ro cho Việt Nam. Nông sản xuất khẩu tiểu ngạch không cần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có hợp đồng ràng buộc pháp lý giữa người bán và người mua nên dễ dẫn đến tình trạng “vỡ kèo”.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hiện nay Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Tuy hàng hóa xuất khẩu theo đường chính ngạch đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn mong muốn được xuất hàng theo con đường chính ngạch vào Trung Quốc bởi ổn định, an toàn hơn. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho hay: “Với vùng trồng nguyên liệu sầu riêng đã ổn định theo tiêu chuẩn VietGAP, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, hiện nay công ty đang chờ pháp lý và yêu cầu kỹ thuật từ cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam để mở thêm mặt hàng này xuất sang Trung Quốc”.
Chia sẻ cách thức xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc Công ty cổ phần Kim Chính, cho hay các DN phải tìm kiếm đối tác thông qua chương trình hội chợ, hội thảo, hướng đến trên tinh thần lợi nhuận từ 2 phía và phải được sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước khi tiếp cận các quy định, hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động này. Quan trọng hơn là DN phải nắm rõ các quy định về xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Chuyên gia thị trường của Trung Quốc, ông Shi Xin Biao, Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&EXport, cho biết đầu năm 2019, cơ quan hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập từ Việt Nam, với yêu cầu phải ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói có đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận trên website. Để tránh hàng bị tồn đọng, DN Việt Nam cần nâng cao hiệu quả xác nhận chứng thực xuất xứ, tiến hành số hóa giấy chứng nhận, hệ thống hóa toàn bộ quy trình để có thể dễ dàng tra cứu khi cần. Bước đầu, DN nên xây dựng phòng thí nghiệm để test nhanh các sản phẩm; xây dựng uy tín trong hợp tác lâu dài với các đối tác Trung Quốc như cung cấp sản phẩm ổn định, chất lượng cao với phương thức giao dịch thanh toán linh hoạt, an toàn. Đặc biệt, cần đầu tư thêm công nghệ tiên tiến để bảo quản nông sản, cũng như hệ thống quản lý hiện đại.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thành Nam cho biết, DN Việt Nam phải thực hiện tốt liên kết sản xuất theo nghị định của Chính phủ để chủ động nguồn nguyên liệu ổn định; đảm bảo mẫu mã, phí vận chuyển hợp lý để nâng cao sức cạnh tranh; thông qua diễn đàn xuất khẩu của 2 nước tổ chức, DN phải đẩy mạnh gặp gỡ với đối tác. Bộ sẽ phối hợp với đối tác Trung Quốc mở lớp tập huấn các yêu cầu trong xuất nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện cho các DN thuận lợi trong vấn đề thông quan hàng hóa từ phương thức kinh doanh, trao đổi hàng hóa đến chuyển tiền.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), khuyến nghị: “DN cần thay đổi cách kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng thành giám sát toàn bộ các công đoạn trong chuỗi sản xuất. Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm. Kết nối với các đối tác Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu và đưa sản phẩm vào sâu trong thị trường Trung Quốc. Đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến”. |