Minh chứng rõ nét nhất, những ngày qua, hàng chục ngàn người hâm mộ đã hòa mình vào không khí của những trận đấu bóng đá được tổ chức tại Phú Thọ và Nam Định trong chuỗi sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á mang tên SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. Trong không khí vui mừng sau dịch, hàng ngàn người dân TPHCM cũng tập trung tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để ủng hộ đội nhà tiếp tục chiến đấu, giữ vững chiếc huy chương vàng môn bóng đá nam.
Có thể nói, dịch Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát với số ca mắc, tử vong giảm rõ rệt, bình quân 3.000-4.000 ca mắc mới mỗi ngày suốt 2 tuần qua, số ca nặng và số ca tử vong cũng trên đà giảm sâu. Tính đến 8-5, cả nước đã tiêm gần 215,5 triệu liều vaccine Covid-19 các loại.
Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, hướng dẫn các ban ngành thay đổi, nới lỏng các quy tắc phòng chống dịch để dần thích ứng với trạng thái mới, cụ thể như: để chuẩn bị cho SEA Games 31, Bộ Y tế đã có văn bản thông báo tất cả người nhập cảnh tham dự sự kiện này không phải khai báo y tế. Trước đó, Bộ Y tế cũng đề nghị tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng...) và tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế tại tất cả cửa khẩu đối với người nhập cảnh…
Trong đợt thi tốt nghiệp THPT tới đây, Bộ Y tế đề xuất thí sinh thuộc diện F1 được tham dự như các thí sinh khác. Thí sinh thuộc diện ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) được tham dự kỳ thi tại phòng riêng. Thí sinh là F0 đang điều trị tại cơ sở y tế, không tham dự được kỳ thi được đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT… Thậm chí, Bộ Y tế cũng đã đưa ra 2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19 năm 2022-2023 khi chủng virus tiến hóa nhưng ca mắc Covid-19 nặng, tử vong giảm và tình huống xuất hiện biến chủng mới, bệnh nhân Covid-19 nặng, tử vong tăng.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước và quy tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) dường như không còn phù hợp với thực tế hiện nay, bởi trong tình hình mới, học sinh đến trường, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức đi làm thì khó mà không tập trung. Đặc biệt tại trường học, việc ăn, ngủ của học sinh càng khó thực hiện nếu duy trì quy định này. Vì vậy, chỉ cần 2K duy trì thường xuyên là khẩu trang và khử khuẩn; 3K còn lại là khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người cần bãi bỏ hoặc linh hoạt hơn. Hay như việc phân loại cấp độ dịch bệnh cũng nên được thay đổi, điều chỉnh để thích ứng, không nên đánh giá nguy cơ dịch bệnh rồi chia vùng xanh đỏ, áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả người khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, cũng đã đến lúc cần xem Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý thông thường khác và việc thanh toán, chi trả tiền khám chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Nếu xác định được điều đó, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với Covid-19 và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát.
Đến thời điểm này, dịch Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn thế giới, nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị công bố Covid-19 thành bệnh đặc hữu như Thái Lan, Indonesia… Về lý thuyết, đại dịch có thể coi là đã qua đi khi các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 không còn được xếp vào mức khẩn cấp toàn cầu. Song đến nay, các tiêu chí để đưa ra quyết định này chưa được xác định chính xác. Chính vì vậy, thay vì chờ đợi vào WHO, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Song song đó, bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất và xem Covid-19 là một phần của cuộc sống.